Quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Bình đến năm 2030

0
84

Quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Không gian phân bố hệ thống đô thị tỉnh Quảng Bình đến năm 2030 được hình thành như sau:

+ Cụm đô thị trung tâm: Thành phố Đồng Hới là đô thị hạt nhân. Đô thị vệ tinh của vùng động lực trung tâm gồm: đô thị Hoàn Lão (bao gồm không gian mở rộng), Việt Trung, Dinh Mười.

+ Cụm đô thị phía Nam: Đô thị Kiến Giang mở rộng là đô thị trung tâm. Đô thị vệ tinh gồm: đô thị Lệ Ninh và Áng Sơn.

+ Cụm đô thị phía Bắc: Đô thị Ba Đồn là đô thị trung tâm. Đô thị vệ tinh gồm: Đô thị Hòn La, Quảng Phương, Tiến Hóa .

+ Cụm đô thị phía Tây: Đô thị Đồng Lê là đô thị trung tâm. Đô thị vệ tinh gồm: đô thị Quy Đạt; Hóa Tiến, Cha Lo (Bãi Dinh).

+ Cụm đô thị du lịch: Đô thị Phong Nha là trung tâm đô thị của khu du lịch Vườn Quốc gia Phong Nha- Kẻ Bàng, cùng với đô thị Phúc Trạch là đô thị vệ tinh.

Dự báo 2030 dự kiến có 13 đô thị, bao gồm: 1 đô thị loại I (xây dựng thành phố Đồng Hới mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại I); 1 đô thị loại III (Ba Đồn), 4 đô thị loại IV (Hoàn Lão mở rộng; Kiến Giang mở rộng, Đồng Lê, Phong Nha); 7 đô thị loại V gồm có 3 đô thị hiện có: thị trấn Quy Đạt, thị trấn NT Việt Trung, thị trấn NT Lệ Ninh) và 4 đô thị xây dựng mới loại V: đô thị Hòn La, Quảng Phương (thị trấn huyện lỵ Quảng Trạch, công nhận trước 2025), Dinh Mười (Quảng Ninh), Hóa Tiến (Minh Hóa).

Dự báo đến năm 2050 có 17 đô thị, gồm có: 1 đô thị loại I (Đồng Hới, mở rộng về phía Nam đến Quán Hàu, phía Bắc đến Sông Dinh), 1 đô thị loại II (Ba Đồn), 03 đô thị loại III (Hoàn Lão, Kiến Giang, Phong Nha), 7 đô thị loại IV (Đồng Lê, Dinh Mười, Quy Đạt, thị trấn NT Việt Trung, thị trấn NT Lệ Ninh, Quảng Phương, Hòn La), 5 đô thị loại V (Cha Lo, Hóa Tiến, Tiến Hoá, Áng Sơn, Phúc Trạch).

Đô thị thành phố Đồng Hới (Quảng Bình)

– Là thành phố tỉnh lỵ – trung tâm hành chính, kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật đồng thời là trung tâm logistics, giao thông năng động của tỉnh Quảng Bình. Hướng phát triển Tp. Đồng Hới trở thành đô thị có ngành dịch vụ, du lịch, công nghiệp phát triển mạnh; là thành phố biển giàu đẹp, văn minh, thành phố du lịch theo hướng hiện đại; xứng đáng là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hoá, khoa học của tỉnh và là một trong những trung tâm du lịch, dịch vụ lớn nhất khu vực Bắc Trung Bộ.

– Loại đô thị: hiện tại là đô thị loại II; dự kiến phát triển đạt tiêu chí đô thị loại I trong giai đoạn 2021- 2030.

– Quy mô dân số toàn thành phố đến 2030 dự kiến: khoảng 24,5 – 25,0 vạn người (nếu tính cả thành phần dân số khác: sinh viên, lực lượng vũ trang, khách du lịch, lao động con lắc… khoảng 26 – 27 vạn người).

– Hướng phát triển không gian đô thị: Không gian đô thị thành phố Đồng Hới sẽ phát triển mở rộng chủ yếu về phía Bắc và phía Nam đô thị hiện hữu, với các phân vùng chức năng chính: trung tâm đô thị, cửa ngõ, công nghiệp, bảo tồn nông nghiệp, du lịch nghỉ dưỡng. Cụ thể định hướng không gian như sau:

+ Giai đoạn 2021- 2030, thống nhất quản lý không gian đô thị Đồng Hới với vùng phụ cận bao gồm: thị trấn Quán Hàu, xã Lương Ninh, xã Vĩnh Ninh của huyện Quảng Ninh; xã Lý Trạch, Nhân Trạch, Nam Trạch của huyện Bố Trạch.

+ Hình thành các trục nối kết không gian Đông Tây thông qua các trục giao thông chính đô thị và các trục giao thông dự kiến mới; liên kết các không gian du lịch dịch vụ nghỉ dưỡng ven biển với các cụm đô thị công nghiệp, du lịch sinh thái phía Tây thành phố thông qua đô thị trung tâm hiện hữu, đồng thời hình thành các mối liên kết không gian với các khu vực nông thôn phía Tây thành phố.

+ Hình thành các trục liên kết không gian Bắc Nam thông qua các trục đường giao thông đối ngoại quan trọng như: đường Hồ Chí Minh, đường quốc lộ 1A và đường tránh quốc lộ 1A, đường bộ cao tốc Bắc – Nam, các trục này liên kết các không gian đô thị công nghiệp, dịch vụ hàng không với không gian đô thị công nghiệp và đô thị du lịch sinh thái ven biển thông qua đô thị trung tâm.

+ Hình thành các khu vực không gian đô thị: khu vực đô thị trung tâm, khu vực đô thị mới mở rộng, khu vực đô thị hiện hữu, khu vực làng xã hiện hữu, khu vực đô thị công nghiệp, khu vực dự kiến phát triển, khu vực du lịch nghỉ dưỡng, khu vực nông nghiệp sinh thái, khu vực bảo tồn thiên nhiên.

+ Phát triển dải bờ biển cho các khu nghỉ dưỡng dành cho du khách và xây dựng các khu phố đi bộ dọc bờ sông Cầu Rào nằm giữa phường Đồng Hải và Hải Thành, dọc theo sông Nhật Lệ từ cầu Hải Thành đến Cầu Dài. Các tuyến phố đi bộ ven sông này của thành phố Đồng Hới sẽ là một trong những khu phố dành cho người đi bộ hàng đầu của Việt Nam.

+ Lấy trục không gian mở thông qua trục chính là dòng sông Nhật Lệ, Sông Lũy là điểm nhấn, hình thành các trục không mở liên kết các hạt nhân đô thị với không gian công viên ven sông Nhật Lệ, Công viên Hồ Bàu Tró, Công viên Biển Hải thành Quang Phú, đồng thời khai thác mạnh các trục xanh liên kết các khu vực sinh thái biển và sinh thái núi (Không gian cây xanh mặt nước Hồ khe Duyên – Kênh Cầu Tây; không gian cây xanh mặt nước sông Mỹ Cương,…).

Đô thị thị xã Ba Đồn (Quảng Bình)

– Là thị xã trực thuộc tỉnh, đô thị trung tâm của tiểu vùng phía Bắc có vai trò quan trọng việc tạo tính kết nối vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình; hành lang kinh tế Đông – Tây kết nối với các tỉnh Trung Lào và Đông Bắc Thái Lan thông qua tuyến Quốc lộ 12A.

– Đô thị Ba Đồn được định hướng sẽ là trung tâm Thương mại, dịch vụ, đặc biệt là du lịch và nuôi trồng thuỷ sản. đảm nhiệm chức năng là trung tâm kinh tế, chính trị, văn hoá xã hội của các huyện phía Bắc tỉnh. Sự phát triển của KKT Hòn La sẽ kích thích sự tăng trưởng của khu vực phía Đông Bắc tỉnh Quảng Bình.

– Loại đô thị: hiện tại là đô thị loại IV; dự kiến phát triển thành đô thị loại III trong giai đoạn 2021- 2030, phát triển thành đô thị loại II trong giai đoạn 2030- 2050.

– Quy mô dân số: dự báo dân số đô thị đến năm 2030 khoảng 13 vạn người.

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 3.062 ha.

– Đến năm 2030, Thị xã Ba Đồn sẽ có 10 phường, 6 xã (hiện tại có 6 phường 10 xã; dự kiến sẽ nâng cấp 4 xã: Quảng Hải, Quảng Lộc, Quảng Hòa, Quảng Minh thành phường nội thị).

– Hướng phát triển không gian:

+ Đô thị Ba Đồn sẽ phát triển theo mô hình đô thị nén (gọn chặt không dàn trải) và bền vững. Bảo tồn các khu vực đất nông nghiệp rộng lớn hiện hữu tại khu vực nội thị và ngoại thị. Không đô thị hóa các khu vực ngập lụt, các khu vực này là nơi thoát nước và trữ nước giảm ngập lụt cho đô thị. Xây dựng hình ảnh đô thị xanh, phát triển bền vững bằng việc tạo được nhiều hồ điều hòa, hồ cảnh quan, kênh dẫn và thoát nước, hệ thống cây xanh thảm cỏ xung quanh hồ và kênh.

+ Không gian đô thị được định hướng phát triển đa cực theo các trục đường giao thông và trục sông ngòi. Không gian phát triển có tính toán kỹ đến giới hạn tránh tràn lan để giữ được nhiều vùng đất nông nghiệp cho thị xã.

+ Đô thị có cảnh quan đẹp nằm bên bờ Bắc sông Gianh; đồng thời hình thành tuyến đường thủy ra cảng Gianh. Mở rộng phát triển quỹ đất đô thị về phía Bắc đường Quốc Lộ và hướng về phía biển kết nối không gian với KKT Hòn La. Hình thành các khu văn phòng, thương mại, tài chính, các khu ở mới và khu công viên cây xanh, thể dục thể thao quy mô lớn phục vụ cho toàn đô thị. Phát triển du lịch dọc bờ biển các phường Quảng Phúc, Quảng Thọ.

+ Hình thành các trục không gian Đông Tây liên kết không gian du lịch sinh thái biển với không gian sinh thái ven sông Gianh và với khu vực phía Tây tỉnh Quảng Bình đồng thời liên kết các tuyến đường: đường Hồ Chí Minh, đường cao tốc Bắc Nam dự kiến với đường quốc lộ 1A.

+ Hình thành cụm không gian đô thị trung tâm kết nối với các khu vực xung quanh thông qua hệ thống các đường vành đai đô thị. Đô thị phát triển chủ yếu tập trung tại 6 phường nội thị, với trung tâm là phường Ba Đồn; hướng phát triển mới sẽ lan tỏa xuống bờ sông và hướng ra biển nhằm phát triển dịch vụ du lịch và các khu đô thị mới.

Phát triển đô thị hướng bờ sông: Bắt đầu từ phường Quảng Phong đến phường Quảng Thuận, hình thành các không gian đô thị mới dọc bờ sông, trong đó đoạn bờ sông khu vực Cồn Két là hạt nhân khu vực này. Tại khu vực 10 xã vùng nam, đô thị được phát triển dọc bờ sông các xã Quảng Văn, Quảng Lộc, tạo thế đối xứng với bờ bên kia của nội thị, nhằm xây dựng hình ảnh đô thị được trải đều bên 2 bờ sông.

Phát triển đô thị hướng ra biển: Là khu vực đô thị mới dọc bờ biển kéo dài từ đầu Quảng Thọ tới cuối Quảng Phúc với trọng điểm là trung tâm biển tại phường Quảng Thọ. Chuyển hóa vùng đồi cát ven biển thành các chức năng như: Đất dự trữ cho phát triển dịch vụ du lịch với mật độ xây dựng thấp hoặc là các mảng xanh công viên cho đô thị tương lai hoặc có thể được chuyển hóa để sản xuất nông nghiệp theo công nghệ hiện đại.

+ Khai thác không gian ven biển làm không gian điểm nhấn cho đô thị Ba Đồn nói riêng, là điểm cửa ngõ cho trục quốc lộ 12A nói chung; là trung tâm du lịch của đô thị gắn kết với không gian trung tâm đô thị hiện hữu thông qua trục quốc lộ 12A, đưa trục này thành trục giao thông và trục cảnh quan chính giúp các đô thị phía Tây tỉnh tiếp cận với du lịch biển.

Đô thị huyện Minh Hóa (Quảng Bình)

(i) Đô thị Quy Đạt

– Tính chất, chức năng đô thị: Thị trấn Huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Minh Hoá.

– Loại đô thị: hiện tại là đô thị loại V, dự kiến phát triển thành đô thị loại IV trong giai đoạn 2030- 2050.

– Quy mô dân số: Dân số đô thị Quy Đạt đến năm 2030: 1-1,2 vạn người;

– Đất xây dựng đô thị: 572 – 669ha.

– Động lực phát triển đô thị: Khai thác và chế biến nông lâm sản, cung cấp cơ sở dịch vụ cho tuyến du lịch phía Tây của tỉnh.

– Hướng phát triển không gian: Không gian đô thị phát triển dọc trục đường 12A. Là đô thị miền núi mang không gian kiến trúc thân thiện, hài hòa với cảnh quan núi rừng tự nhiên. Hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ du lịch, phát triển đô thị theo hướng liên kết phát triển du lịch (đình làng Kim Bảng định hướng liên kết với khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng) và tiểu thủ công nghiệp.

(ii) Đô thị Hoá Tiến

– Tính chất, chức năng đô thị: Đô thị chuyên ngành thương mại dịch vụ, công nghiệp hỗ trợ KKT cửa khẩu Cha Lo. Đây là đô thị đã được xác định trong QHXD vùng Biên giới Việt Lào hình thành phát triển theo dự án KKT cửa khẩu Cha Lo.

– Loại đô thị (đô thị mới): Phát triển trong giai đoạn 2021 – 2030 dự báo khi có sự phát triển đột biến về KKT cửa khẩu sẽ đạt đô thị loại V.

– Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng: 8.000 người.

– Đất xây dựng khu đô thị tập trung khoảng: 300-500 ha.

– Hướng phát triển không gian: Trên cơ sở đô thị hiện có, hình thành mới không gian các khu trung tâm thương mại- tài chính, các khu phố đi bộ kết hợp tham quan du lịch, mua sắm, ẩm thực, xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng theo dạng resort (khu vực phía Tây đường Hồ Chí Minh). Phát triển đô thị theo hướng liên kết với KKT cửa khẩu Cha Lo và khu di tích lịch sử cách mạng Khe Ve.

– Hướng kết nối Đông Tây: Là không gian kết nối giữa Cha Lo và Hoá Tiến. Quỹ đất xây dựng mở rộng chủ yếu tại khu vực La Trọng, dọc theo tuyến đường 12A. Bố trí các khu dịch vụ du lịch, các công trình dịch vụ vận tải quá cảnh. Bố trí các khu dân cư nông thôn tập trung là hạt nhân phát triển hiện đại hóa nông nghiệp – nông thôn. Khai thác thế mạnh quỹ đất nông nghiệp thích hợp để hình thành vùng sinh thái nông nghiệp bên cạnh nhu cầu cung ứng cho thị trường tiêu dùng còn mang lại giá trị du lịch cao.

– Vùng nông lâm nghiệp và bảo vệ sinh thái: Chủ yếu phát triển nông lâm nghiệp hình thành các vùng quy hoạch cây công nghiệp, cây lương thực, trang trại trồng hoa, cây cảnh; phát triển rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn… kết hợp với dịch vụ du lịch sinh thái thủy điện sông ngã hai, du lịch văn hoá các dân tộc…

(iii) Đô thị Cha Lo – Bãi Dinh

– Tính chất, chức năng đô thị: Đô thị thương mại, dịch vụ cửa khẩu và du lịch vùng biên.

– Loại đô thị (đô thị mới): dự kiến đô thị loại V hình thành trong giai đoạn 2030 -2050.

Quy mô dân số: Khoảng 5.000 người (năm 2030).

Đất xây dựng khu đô thị tập trung khoảng: 100-150ha.

– Hướng phát triển không gian: Phát triển không gian đô thị hài hoà với không gian phát triển của KKT cửa khẩu Cha Lo. Đề xuất cấu trúc phát triển và cơ cấu phân khu chức năng bao gồm: Khu phi thuế quan; khu chế xuất; KCN; khu giải trí; khu du lịch; khu đô thị mới và các khu dân cư; khu hành chính và các khu chức năng khác.

– Bố cục không gian phân theo vùng chức năng và trục không gian chính. Tổ chức các không gian trọng tâm mang tính biểu tượng đặc trưng, không gian khu kiểm soát cửa khẩu…để tạo điểm nhấn cho không gian KKT – đô thị Cha Lo-Bãi Dinh.

Đô thị huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình)

(i) Đô thị Đồng Lê

– Tính chất, chức năng đô thị: là thị trấn Huyện lỵ, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Tuyên Hoá. Là cực phát triển phía Tây Bắc của tỉnh.

– Loại đô thị: hiện tại là đô thị loại V, dự kiến phát triển thành đô thị loại IV trong giai đoạn 2021- 2030.

– Quy mô dân số đến năm 2030: 1,5 vạn người;

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 300-400 ha.

– Động lực phát triển đô thị: khai thác dịch vụ – thương mại trên tuyến hành lang kinh tế đường 12A, 12C; là đô thị miền núi có bản sắc văn hóa các dân tộc để phát triển du lịch.

– Hướng phát triển không gian: không gian đô thị phát triển theo 2 hướng: Bắc đường 12A, Nam đường 12A trong đó khu vực trung tâm đô thị bố trí tại khu vực hiện nay, là nơi tập trung các cơ quan hành chính của thị xã.

(ii) Đô thị Tiến Hóa

– Tính chất, chức năng đô thị: Là đô thị chuyên ngành, thương mại dịch vụ, công nghiệp, hỗ trợ KKT cửa khẩu Cha Lo.

– Loại đô thị (đô thị mới): dự kiến đô thị loại V hình thành trong giai đoạn 2030 -2050.

– Quy mô dân số: Khoảng 5.000 người.

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 100-150 ha.

– Hướng phát triển không gian: Hướng phát triển đô thị chủ yếu dọc theo trục đường quốc lộ 12A (chủ yếu là phía Bắc đường). Hình thành các trục không gian theo hướng Bắc – Nam, liên kết không gian cảnh quan đồi núi phía Bắc với không gian sinh thái ven sông Gianh.

Đô thị huyện Quảng Trạch (Quảng Bình)

(i) Đô thị Hòn La (Quảng Phú), (thuộc KKT Hòn La – là đô thị kinh tế tổng hợp, chuyên ngành), hỗ trợ cho đô thị động lực Đồng Hới.

– Tính chất chức năng đô thị: Là đô thị có vị thế cấp vùng Nam Hà Tĩnh – Bắc Quảng Bình. Là trung tâm dịch vụ tổng hợp phục vụ công nghiệp và cảng biển Hòn La.

– Loại đô thị (đô thị mới): Dự kiến đạt đô thị loại V năm giai đoạn đến 2030, đô thị loại IV hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

– Quy mô dân số đô thị: Đến giai đoạn 2030 KKT phát triển đạt mức độ đô thị loại IV, tập trung phát triển các khu chức năng và khu đô thị tập trung với quy mô dự báo đến năm 2030: khoảng 24-25 vạn người, cân đối các nguồn lực, mức độ phát triển kinh tế xã hội, tiến độ đầu tư vào KKT dự báo đến 2050 khoảng 35-40 vạn người.

Dự báo đến ngoài năm 2030 tiếp tục đầu tư phát triển để đạt quy mô dân số đô thị như theo QĐ số 851/QĐ-TTg và lấp đầy khoảng 10.000ha đất xây dựng toàn KKT.

– Đất xây dựng đô thị toàn KKT: khoảng 3.200 ha. Đất xây dựng đô thị Hòn La khoảng 600-800ha.

– Hướng phát triển không gian: Tận dụng lợi thế về địa hình sông nước và bờ biển để quy hoạch phát triển không gian đô thị hiện đại, cân bằng sinh thái. Phát triển chủ yếu dọc dẻo đất từ quốc lộ 1A ra đến bờ biển và về hai phía sông Roòn. Khu vực phía Bắc sông Roòn bố trí quĩ đất xây dựng khu đô thị mới và hình thành trung tâm thương mại-tài chính mới hiện đại, cao tầng của đô thị tại đây; các khu công viên, thể dục thể thao bố trí dọc sông Roòn. Phía Nam sông Roòn bố trí không gian kiến trúc, cảnh quan của đô thị theo mô hình sinh thái kết hợp với các khu du lịch dọc biển.

(ii) Đô thị Quảng Phương:

– Vị trí: Do thị trấn Ba Đồn được nâng cấp trở thành thị xã trực thuộc tỉnh Quảng Bình trong năm 2013 nên cần thiết phải xây dựng huyện lỵ mới cho huyện Quảng Trạch. Theo đề cương đánh giá lựa chọn địa điểm dự kiến sẽ bố trí huyện lỵ Quảng Trạch mới tại xã Quảng Phương.

– Tính chất, chức năng đô thị: Huyện lỵ mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Trạch (tương lai).

– Loại đô thị (đô thị mới): Hiện tại là trung tâm cụm xã. Dự kiến đô thị loại V năm 2021-2025, đô thị loại IV hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

– Quy mô dân số: Dự báo đến năm 2025 khoảng 1 vạn người; Đến năm 2030: khoảng 1,5 vạn người và đến 2050 khoảng 3,5 vạn người;

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 650-750 ha.

– Động lực phát triển đô thị: Nằm ở vị trí trung tâm đồng bằng Bắc sông Gianh, kề cận với KKT Hòn La và thị xã Ba Đồn. Có ưu thế để xây dựng một đô thị với chức năng là trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa và dịch vụ của huyện với điều kiện thuận tiện kết nối được kết cấu hạ tầng khung trong vùng.

– Hướng phát triển không gian: Trên cơ sở trung tâm xã Quảng Phương, dự kiến bố trí trung tâm huyện tại khu vực hồ Bàu Sen. Trục giao thông chính hướng Bắc Nam kết nối đô thị với thị xã Ba Đồn và KKT Hòn La. Trên cơ sở khung giao thông chính của đô thị bố trí các chức năng chính của đô thị như khu dân cư mới, khu dân cư làng xãm cải tạo, các khu cây xanh TDTT, khu thương mại, trung tâm y tế…

Đô thị huyện Bố Trạch (Quảng Bình)

(i) Đô thị Hoàn Lão mở rộng

Tính chất, chức năng đô thị: Đô thị Hoàn Lão là trung tâm huyện lỵ của huyện Bố Trạch; là đô thị vệ tinh hỗ trợ cho thành phố Đồng Hới trong việc cung ứng các dịch vụ, thương mại, du lịch, kinh tế của khu vực động lực trung tâm. Khu vực đô thị Hoàn Lão mở rộng (trong đó khu vực nội thị dự kiến bao gồm thị trấn Hoàn Lão và các xã: Đồng Trạch, Trung Trạch, Đức Trạch, Hải Trạch, Thanh Trạch). Giai đoạn 2021- 2030, tập trung xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ của khu vực đô thị Hoàn Lão mỡ rộng và các xã lân cận làm tiền đề cho việc thành lập thị xã khi đủ các điều kiện cần thiết.

– Loại đô thị: Hiện tại là thị trấn mở rộng, đô thị loại IV. Dự kiến đô thị loại III hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

– Quy mô dân số: dự báo quy mô dân số đô thị Hoàn Lão mở rộng đến năm 2030 là khoảng 13,5-14 vạn người.

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 27.600 ha.

– Động lực phát triển đô thị: thương mại – dịch vụ và du lịch.

– Hướng phát triển không gian: Phát triển đô thị Hoàn Lão thành một đô thị vệ tinh phía Bắc cho thành phố Đồng Hới, liên kết các đô thị Hòn La và Ba Đồn với thành phố Đồng Hới. Phát triển đô thị Hoàn Lão theo hướng ưu tiên liên kết không gian Đông Tây đồng thời khai thác các liên kết với khu danh thắng Đá Nhảy – Lý Hòa.

(ii) Đô thị nông trường Việt Trung.

– Tính chất, chức năng đô thị: là thị trấn nông trường.

– Loại đô thị: Hiện tại là thị trấn loại, đô thị loại V. Dự kiến đô thị loại IV hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

– Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 1,2 vạn người;

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 350-400 ha.

– Hướng phát triển không gian: Phát triển đô thị chủ yếu tập trung dọc theo Đường tỉnh 11 và đường Hồ Chí Minh theo hướng liên kết không gian với đô thị thành phố Đồng Hới, liên kết không gian với khu vực cảnh quan sinh thái ven sông Dinh đồng thời xây dựng đô thị theo hướng trở thành đô thị vệ tinh phía Tây thành phố Đồng Hới.

(iii) Đô thị Phúc Trạch (Troóc)

– Tính chất, chức năng đô thị: Thị trấn chuyên ngành, hỗ trợ đô thị Phong Nha.

– Loại đô thị (đô thị mới): Hiện tại là trưng tâm cụm xã. Dự kiến đô thị loại V hình thành trong giai đoạn 2030-2050.

– Quy mô dân số vào năm 2030: khoảng 1,8- 2,2 vạn người.

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 400-500 ha.

– Hướng phát triển không gian: Hình thành, phát triển các trung tâm dịch vụ, thương mai phục vụ cho việc phát triển dịch vụ du lịch phụ trợ cho khu bảo tồn thiên nhiên Phong Nha Kẻ Bàng. Phát triển đô thị chủ yếu về phía Bắc của tuyến đường Hồ Chí Minh Đông, gắn kết với đô thị Phong Nha tạo thành trung tâm du lịch lớn của tỉnh.

(iv) Đô thị Phong Nha

– Tính chất, chức năng đô thị: Đô thị du lịch, thương mại, dịch vụ là trung tâm của Khu du lịch cấp Quốc gia Vườn Quốc Gia phong Nha – Kẻ Bàng. Đô thị Phong Nha cùng với thành Phố Đồng Hới là động lực quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh, tế xã hội của tỉnh. Quy hoạch đến năm 2030, Đô thị Phong Nha được công nhận là đô thị loại IV. Động lực phát triển đô thị là dịch vụ, du lịch.

– Loại đô thị: Hiện tại là đô thị loại V. Dự kiến đô thị loại IV hình thành trong giai đoạn đến 2030, đô thị loại III trước 2050.

– Quy mô dân số: 1,8- 2,0 vạn người (năm 2030).

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 600-900 ha.

– Hướng phát triển không gian: Phát triển đô thị theo hướng tập trung các quỹ đất phía Đông đường Hồ Chí Minh Đông, gắn kết không gian với không gian sinh thái ven sông Son và di sản thiên nhiên thế giới vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng.

Hình thành các trục không gian đô thị liên kết không gian tuyến đường Hồ Chí Minh với không gian sinh thái sông Son theo hướng Bắc Nam.

Hình thành các trục không gian theo hướng Đông Tây liên kết các không gian đô thị với không gian du lịch sinh thái bảo tồn của rừng quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Khai thác khu vực nút giao tuyến đường quốc gia Hồ Chí Minh và tuyến tỉnh lộ 20 là khu vực xây dựng không gian trung tâm đô thị, là không gian cung cấp dịch vụ và quảng bá du lịch cho khu di sản thiên nhiên thế giới: vườn quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng.

Đô thị huyện Quảng Ninh (Quảng Bình)

(i) Đô thị Dinh Mười (thị trấn huyện lỵ, loại V):

– Vị trí: Trong tương lai, đô thị Đồng Hới phát triển sẽ mở rộng, do vậy cần thiết phải xây dựng huyện lỵ mới cho huyện Quảng Ninh. Trên cơ sở xem xét điều kiện tự nhiên và hiện trạng, cơ sở hạ tầng hiện có, dự kiến sẽ bố trí huyện lỵ Quảng Ninh mới tại Dinh Mười.

– Tính chất, chức năng đô thị: Huyện lỵ mới, trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hoá huyện Quảng Ninh (tương lai).

– Loại đô thị (đô thị mới): Hiện tại là trung tâm cụm xã chưa hình thành đô thị. Dự kiến đô thị loại V trước năm 2030.

– Quy mô dân số năm 2030: 1,8 – 2,0 vạn người (năm 2030).

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 791,3 ha.

– Động lực phát triển đô thị: Nằm ở vị trí thuận tiên trên đường quốc lộ 1A. Có ưu thế để xây dựng một đô thị với chức năng là trung tâm tổng hợp về chính trị, kinh tế, văn hóa và dịch vụ, du lịch của huyện với điều kiện thuận tiện kết nối được kết cấu hạ tầng khung trong vùng. Đô thị Dinh Mười còn là đô thị vệ tinh của thành phố Đồng Hới có vai trò bổ trợ cung ứng các dịch vụ, du lịch, dịch vụ đô thị và dân cư của khu vực động lực trung tâm của tỉnh.

– Hướng phát triển không gian: Dự kiến bố trí trung tâm huyện tại điểm giao cắt giữa tuyến quốc lộ 1A và trục đường hướng ra biển. Đây là phần đất nằm trong vùng phong thủy đẹp của sông Nhật Lệ, tập trung phát triển đô thị theo hướng gắn kết không gian du lịch biển với không gian sinh thái ven sông Nhật Lệ và sông Kiến Giang.

(ii) Đô thị Áng Sơn (đô thị mới, loại V)

– Tính chất, chức năng đô thị: là thị trấn công nghiệp, thuộc huyện Quảng Ninh

– Loại đô thị: Hiện tại là trung tâm cụm xã chưa hình thành đô thị. Dự kiến trở thành đô thị loại V trong giai đoạn từ 2030-2050.

– Quy mô dân số: Đến năm 2030 khoảng 10.000 người;

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 150-200 ha.

– Hướng phát triển không gian:

Định hướng khu vực trung tâm đô thị đặt tại vị trí trung tâm xã hiện tại. Không gian đô thị phát triển theo hướng liên kết với không gian KCN (nhà máy xi măng) và với không gian du lịch (đền thờ Nguyễn Hữu Cảnh) và với không gian vùng bảo tồn thiên nhiên sinh thái nông nghiệp nằm ở phía Đông đô thị. Định hướng ngoài 2030 sẽ chuyển dịch trung tâm đô thị về khu vực nút giao tuyến đường tỉnh 10 và tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông – nơi có cơ sở hạ tầng tốt đảm bảo đô thị phát triển bền vững.

Đô thị huyện Lệ Thủy (Quảng Bình)

(i) Đô thị Kiến Giang mở rộng.

– Tính chất, chức năng đô thị: là đô thị trung tâm tiểu vùng phía Nam, có vai trò quan trọng trong sự phát triển KT-XH vùng phía Nam tỉnh và kết nối với vùng Bắc Quảng Trị.

– Loại đô thị: hiện tại là đô thị loại IV, Giai đoạn 2021- 2030, tập trung xây dựng nâng cấp hệ thống cơ sỡ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, dịch vụ của khu vực đô thị Kiến Giang mở rộng và các xã lân cận làm tiền đề cho việc thành lập thị xã khi đủ các điều kiện cần thiết. Dự kiến trở thành đô thị loại III trong giai đoạn từ 2030-2050.

– Quy mô dân số: dự kiến quy mô dân số đô thị Kiến Giang mở rộng đến năm 2030 khoảng 13-13,5 vạn người.

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 8.940 ha.

– Động lực phát triển đô thị: thương mại – dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao và du lịch

– Hướng phát triển không gian: Hình thành các trung tâm thương mại, dịch vụ, phát triển đô thị Kiến Giang thành trung tâm phía Nam của tỉnh, có vai trò liên kết các đô thị của Quảng Bình với các đô thị nằm trong vùng Bắc Quảng Trị như: Thị xã Hồ Xá, thành phố Đông Hà…Phát triển không gian đô thị tập trung theo hướng Đông Tây (mở rộng không gian ra phía Đông Quốc lộ 1A)  liên kết đô thị với KCN Bang ở phía Tây và KCN Cam Liên ở phía Đông đồng thời tạo các trục không gian Bắc Nam liên kết không gian du lịch khu bảo tồn thiên nhiên sinh thái nông nghiệp (gắn với nhà lưu niệm đại tướng Võ Nguyên Giáp) với không gian du lịch tâm linh chùa Hoằng Phúc, khu du lịch suối nước khoáng nóng Bang…

(ii) Đô thị nông trường Lệ Ninh

– Tính chất, chức năng đô thị: Là Trung tâm kinh tế, văn hóa phía Tây của huyện Lệ Thủy

– Loại đô thị: Hiện tại là đô thị loại V. Dự kiến trở thành đô thị loại IV trong giai đoạn từ 2030-2050.

– Quy mô dân số đến năm 2030 khoảng 7.000 người;

– Đất xây dựng đô thị: khoảng 370-400 ha.

Hướng phát triển không gian: Tập trung các quỹ đất, phát triển đô thị theo hướng Đông Tây dọc theo tuyến đường huyện nối Đường tỉnh 10, với Đường tỉnh 16 tại đô thị Kiến Giang; tạo liên kết chặt chẽ giữa không gian vùng nông trường hồ Cẩm Ly với không gian bảo tồn thiên nhiên sinh thái nông nghiệp.

Hồ sơ QH tỉnh Quảng Bình 2030

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

(Quy hoạch đô thị tỉnh Quảng Bình : TP Đồng Hới, TX Ba Đồn, Bố Trạch, Lệ Thủy , Minh Hóa, Quảng Ninh, Quảng Trạch, Tuyên Hóa.)

4.8/5 – (6 bình chọn)