Hà Nội sẽ có 6 tuyến metro (đường sắt đô thị) ngầm, với 81 ga chạy ngầm dưới đất theo quy hoạch đến năm 2030 tầm nhìn 2050.
Sở QH-KT và Sở GTVT Hà Nội đã công bố đồ án Quy hoạch chung không gian xây dựng ngầm đô thị trung tâm TP.Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050, tỷ lệ 1/10.000; và Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Quy hoạch không gian ngầm thuộc địa giới 20 quận, huyện (Hoàn Kiếm, Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng, Cầu Giấy, Tây Hồ, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Hà Đông, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Long Biên, Mê Linh, Đông Anh, Gia Lâm, Đan Phượng, Hoài Đức, Thanh Oai, Thanh Trì, Thường Tín).
Khu vực nghiên cứu định hướng, kết nối tại 5 đô thị vệ tinh gồm: Sóc Sơn, Sơn Tây, Hòa Lạc, Xuân Mai, Phú Xuyên.
Các nội dung nghiên cứu lập quy hoạch gồm: giao thông ngầm (đường bộ ngầm; đường sắt đô thị ngầm; lối đi bộ ngầm); bãi đỗ xe công cộng ngầm; hệ thống hạ tầng kỹ thuật ngầm; công trình công cộng ngầm.
Mục lục bài viết
6 tuyến metro (đường sắt đô thị) ngầm dài 86,5km
Một trong những nội dung quan trọng của đồ án là mạng lưới giao thông ngầm. Hà Nội định hướng giao thông ngầm chủ yếu là hệ thống các tuyến đường sắt đô thị xây dựng ngầm, gồm 6 tuyến (2, 3, 4, 5, 7, 8) với tổng chiều dài khoảng 86,5 km, sâu trung bình khoảng 20 m. Dự kiến, có 81 ga ngầm (trong đó 7 ga tuyến số 2 và số 4 là ga kết hợp). Cụ thể, gồm có :
- Tuyến số 2 Hoàng Quốc Việt – Hoàng Hoa Thám – Hàng Bài – Đại Cồ Việt – Thượng Đình – Vành đai 2,5 – Hoàng Quốc Việt dài 21,8 km với 20 ga ngầm.
- Tuyến số 3 Khách sạn Daewoo – ga Hà Nội – Kim Ngưu dài 10,9 km với 11 ga.
- Tuyến số 4 Nguyễn Trãi – Tây Hồ Tây dài 18 km với 18 ga ngầm.
- Tuyến số 5 Nam Hồ Tây – Ngọc Khánh – đại lộ Thăng Long dài 6,5 km với 6 ga ngầm.
- Tuyến số 7 đô thị mới Nhổn – Vân Canh – Dương Nội – Hà Đông dài 13 km với 13 ga ngầm.
- Tuyến số 8 Mai Dịch – vành đai 3 – Lĩnh Nam dài 16,3 km với 13 ga ngầm.
78 bãi đỗ xe ngầm tại 4 quận nội đô TP Hà Nội
Bên cạnh đó, TP Hà Nội cũng sẽ quy hoạch 78 bãi đỗ xe công cộng ngầm với tổng diện tích sàn là hơn 104 ha, chủ yếu bố trí tại khu vực 4 quận nội thành cũ, công trình xây dựng từ 3 – 4 tầng hầm (tối đa đến 5 tầng hầm và bố trí kết hợp với các chức năng thương mại dịch vụ.
Quy hoạch các bến xe tại Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn 2050
Về không gian công cộng ngầm, TP xác định các đầu mối giao thông công cộng lớn (ga đường sắt đô thị, ga đường sắt quốc gia) là hạt nhân.
Cụ thể, xác định 39 khu vực phát triển không gian công cộng ngầm tại khu vực nội đô (lịch sử và mở rộng) với tổng diện tích khoảng 954 ha. Định hướng bố trí các chức năng dịch vụ, thương mại, vui chơi giải trí, ga ra ngầm gắn kết với các tuyến đường sắt đô thị, nhà ga trên tuyến.
Ngoài ra, đề xuất 65 vị trí khuyến khích hình thành không gian ngầm tại các khu vực phát triển mới phía Bắc sông Hồng và Nam sông Hồng với tổng diện tích khoảng 2.171 ha.
Quy hoạch phân 3 vùng theo chiều ngang gồm: khu vực nội đô có khu vực nội đô lịch sử, từ Vành đai 2 vào trung tâm sẽ đẩy mạnh phát triển không gian ngầm do cơ bản đã khai thác hết không gian trên mặt đất, mật độ đô thị cao. Còn tại khu vực nội đô mở rộng, từ Vành đai 2 đến Vành đai xanh sông Nhuệ sẽ tăng cường liên kết các không gian ngầm cục bộ tại các công trình đã và đang hình thành, tạo thành hệ thống liên hoàn.
Tại khu vực phát triển mới, từ khu đô thị Đông Vành đai 4 và Khu vực phát triển mới phía bắc sông Hồng sẽ dự phòng quỹ đất cho phát triển đồng bộ giữa không gian ngầm và không gian nổi đồng bộ, hiện đại.
Cuối cùng là khu vực hành lang hai bên sông Hồng, sông Đuống sẽ hạn chế phát triển không gian ngầm, chỉ phát triển công trình hạ tầng ngầm.
Tại các đô thị vệ tinh, quy hoạch định hướng phát triển không gian công cộng ngầm xung quanh các tuyến đường sắt ngoại ô kết nối với đô thị trung tâm.
Đối với quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ, khu vực nghiên cứu chính tại đô thị trung tâm (từ Vành đai 4 trở vào). Quy mô diện tích khoảng 3.344 km2. Tổng dân số dự báo đến năm 2030 từ 9,1 – 9,3 triệu người, đến năm 2050 từ 10,5 – 10,7 triệu người.
Mục tiêu Quy hoạch hệ thống bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ nhằm đáp ứng các tiêu chí bền vững, đồng bộ, hiện đại.
Theo quy hoạch, các bến xe khách, xe tải liên tỉnh được bố trí trên các trục hướng tâm tại cửa ngõ giao với Vành đai 4, theo các hướng đông, tây, nam, bắc. Các bến xe khách liên tỉnh xây dựng mới được kết hợp với các điểm đầu cuối của hệ thống xe buýt công cộng và gần các nhà ga của các tuyến đường sắt đô thị nhằm kết nối, vận chuyển hành khách vào khu vực nội đô và ngược lại. Từng bước thay thế các bến xe khách hiện có nằm sâu trong nội đô.
Trích dẫn bởi ashtechservice.com (Nguồn : Báo Thanhnien.vn)
4.7/5 – (7 bình chọn)