Quy hoạch đô thị tỉnh Tiền Giang đến năm 2030

0
83

Quy hoạch đô thị tỉnh Tiền Giang đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050: TP Mỹ Tho, TX Cai Lậy, TX Gò Công, Cái Bè, Cai Lậy, Châu Thành, Chợ Gạo, Gò Công Đông, Gò Công Tây, Tân Phú Đông, Tân Phước.

  • Định hướng đến năm 2025: Toàn tỉnh có 23 đô thị, trong đó có 05 đô thị xây dựng mới. Dân số đô thị (chính thức) đạt khoảng 387.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 20 – 21 %.
  • Định hướng đến năm 2030: Toàn tỉnh có 25 đô thị, trong đó có 07 đô thị xây dựng mới. Dân số đô thị (chính thức) đạt khoảng 815.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 42 – 43 %.
  • Tầm nhìn đến năm 2050: Phát triển toàn bộ vùng trung tâm thành một đô thị lớn. Khu vực đô thị biển Gò Công có thể trở thành một đô thị lớn thứ haithành phố Gò Công

Định hướng phát triển không gian

Tiền Giang sẽ hình thành các hành lang đô thị gồm:

(i) Hành lang đô thị hiện hữu dọc theo QL1, QL 50: gồm những đô thị thương mại, dịch vụ, đã hình thành từ lâu, phát triển bám đường, hiện nay không còn nhiều dư địa phát triển, không phát triển đất xây dựng hạ tầng đô thị theo chiều rộng. Các đô thị hình thành mới có quy mô vừa phải, xây dựng tập trung, tránh đầu tư hạ tầng dàn trải, mật độ xây dựng đảm bảo tính chất đô thị sinh thái miệt vườn.

(ii) Hành lang ven sông Tiền: phát triển xây dựng, du lịch, dịch vụ, đô thị dân cư; phát huy tính chất là mặt tiền đô thị hướng ra sông Tiền của vùng TP.HCM; tích hợp được cả 2 yếu tố miệt vườn và sông nước để tạo ra bản sắc cho dải đô thị. Cấu trúc xây dựng đô thị vuông góc với mặt sông, tạo ra các không gian công cộng gắn với cảnh quan sinh thái ven sông, không tạo thành dải mỏng chạy dọc ven sông.

(iii) Hành lang Mỹ Tho – TP.HCM: phát huy tính chất là đô thị thương mại, dịch vụ, phát triển xây dựng, cung cấp các dịch vụ thiết yếu, an sinh xã hội, dành chỗ thu hút dân nhập cư từ vùng ĐBSCL, hỗ trợ cho các KCN đã/sẽ hình thành trong tương lai tại khu vực huyện Tân Phước.

(iv) Hành lang TX.Cai Lậy – Long Trung: kết nối đô thị vùng sinh thái miệt vườn tới sông Tiền.

(v) Hành lang Gò Công: tạo thành điểm đến chứ không phải vùng trượt qua; phát huy tính chất là chuỗi đô thị phát triển xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, dân cư.

– Không phát triển đất xây dựng hạ tầng đô thị dàn trải;

– Một khu vực đô thị chính là Mỹ Tho. Tất cả các đô thị khác là các điểm nhỏ, với bản sắc khác nhau, chất lượng quan trọng hơn là diện tích. Đáp ứng nhu cầu cung cấp dịch vụ hành chính các cấp.

– Hạn chế phát triển những dải mỏng bám đường, nhất là đối với các tuyến đường chính, vì sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng giao thông vốn đã hạn hẹp.

Phát triển du lịch gắn với các đô thị hiện hữu (có tiềm năng) và định hướng phát triển đô thị của tỉnh. Các dịch vụ: ẩm thực; lưu trú; vui chơi giải trí; mua sắm; tổ chức lễ hội, sự kiện; biểu diễn nghệ thuật…, bao gồm 03 trung tâm:

  • Thành phố Mỹ Tho – du lịch văn hóa, đô thị, MICE, lễ hội
  • Thị xã Gò Công – du lịch văn hóa, đô thị, lễ hội
  • Thị trấn Cái Bè – du lịch văn hóa, sinh thái miệt vườn, lễ hội

Tầm nhìn dài hạn phát triển toàn bộ tỉnh Tiền Giang là một vùng du lịch lớn cấp quốc gia, dựa trên 5 lợi thế chính: Biển, sông Tiền, sinh thái ngập trũng Đồng Tháp Mười, đô thị lịch sử và hạ tầng giao thông thuận lợi

Phương án tổ chức hệ thống đô thị tỉnh Tiền Giang

Phân loại đô thị

Định hướng đến năm 2025: Toàn tỉnh có 23 đô thị, gồm 01 đô thị loại I (TP. Mỹ Tho), 02 đô thị loại III (TX. Gò Công và TX. Cai Lậy), 20 đô thị loại V gồm có 09 đô thị hiện hữu là các thị trấn và đô thị An Hữu; 11 đô thị xây dựng mới là Long Trung, Long Định, Vĩnh Kim, Long Bình, Đồng Sơn, Hòa Khánh, Thiên Hộ, Phú Mỹ, Bến Tranh, Tân Tây, Mỹ Thành Nam.

Dân số đô thị (chính thức) đạt khoảng 387.000 – 389.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 20 – 21 %. Tổng quy mô dân số là khoảng 763.000 – 764.000 người (bao gồm cả người dân có căn nhà thứ 2 tại Tiền Giang).

Định hướng đến năm 2030: Toàn tỉnh có 25 đô thị, gồm 01 đô thị loại I (TP. Mỹ Tho), 02 đô thị loại III (TP. Gò Công và TX. Cai Lậy), 04 đô thị loại IV (Cái Bè, An Hữu, Chợ Gạo, Vàm Láng), 18 đô thị loại V trong đó có 02 đô thị xây dựng mới là Mỹ Thành Nam và Tân Điền.

Dân số đô thị (chính thức) đạt khoảng 813.000 – 817.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa khoảng 40 – 43 %. Tổng quy mô dân số là khoảng 1.200.000 – 1.201.000 người (bao gồm cả người dân có căn nhà thứ 2 tại Tiền Giang).

Tầm nhìn đến năm 2050 : Toàn tỉnh có 24 đô thị, gồm 01 đô thị loại I là thành phố Mỹ Tho; 02 đô thị loại II là TP. Cai Lậy và TP. Gò Công; 05 đô thị loại IV là các thị trấn Chợ Gạo, Cái Bè, An Hữu, Vàm Láng và thị xã Châu Thành; 16 đô thị loại V trong đó có 01 đô thị hình thành mới là đô thị Tân Lập 1.

Dân số đô thị (chính thức) đạt khoảng 1.220.000 –1.280.000 người. Tỷ lệ đô thị hóa đạt khoảng 58 – 61%. Tổng quy mô dân số là khoảng 2.340.000 – 2.345.000 người (bao gồm cả người dân có căn nhà thứ 2 tại Tiền Giang).

Bảng nâng loại hệ thống đô thị theo từng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050Bảng nâng loại hệ thống đô thị theo từng giai đoạn đến 2030, tầm nhìn đến 2050

Phân vùng phát triển kinh tế – đô thị

Dựa trên các nguyên tắc phân vùng cũng như các điều kiện tự nhiên, vị trí địa lý, liên kết vùng, kết cấu hạ tầng, nguồn nhân lực…, Tiền Giang bao gồm 03 vùng kinh tế – đô thị là: vùng Trung tâm, vùng phía Tây và vùng phía Đông.

Vùng trung tâm

Gồm thành phố Mỹ Tho, huyện Châu Thành và huyện Chợ Gạo. Với vị trí ở trung tâm của tỉnh Tiền Giang, đây là vùng đóng vai trò hạt nhân, thúc đẩy tăng trưởng, hỗ trợ và kéo theo cùng phát triển các vùng khác trong tỉnh. Cả 03 huyện, thành phố trong vùng đều tiếp giáp với sông Tiền, xác định dải từ sông Tiền vào khoảng 2km và các cù lao là dải đô thị ven sông với chuỗi các đô thị là những điểm dân cư tập trung hơn, đan xen với cảnh quan sinh thái vùng sông nước.

Trên cả dải đô thị ven sông Tiền, chỉ có thành phố Mỹ Tho là trung tâm đô thị lớn do tính chất không chỉ là trung tâm tiểu vùng mà còn là trung tâm hành chính, kinh tế – văn hóa – xã hội của toàn tỉnh.

Những khu vực còn lại trong vùng khuyến khích phát triển đô thị sinh thái miệt vườn. Trong khu vực này hạn chế phát triển đô thị trên diện rộng, chú trọng đầu tư nâng cao chất lượng đô thị hiện hữu, có thể bổ sung thêm các đô thị mới có tiềm năng, động lực để phát triển với quy mô phù hợp thực tế, khai thác tốt hơn lợi thế ven sông Tiền, kết nối tốt hơn với vùng nông thôn và các đô thị lớn, đô thị hiện hữu.

Vùng phía Tây

Gồm thị xã Cai Lậy, huyện Cai Lậy, huyện Cái Bè và huyện Tân Phước nằm về phía Tây của tỉnh Tiền Giang, cả 4 huyện, thị xã đều gắn kết chặt chẽ với hệ thống hạ tầng khung quan trọng của tỉnh như QL1, cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận, đường sắt cao tốc HCM – Cần Thơ (trong tương lai) và kết nối với vùng trung tâm bằng cả đường thủy (sông Tiền) và đường bộ (các tuyến cao tốc, quốc lộ, đường sắt và đường ven sông Tiền).

Định hướng phát triển dải đô thị ven sông Tiền để tạo cảnh quan đô thị đan xen cảnh quan sinh thái vùng sông nước. Duy trì sinh thái nông nghiệp với các loại nông sản có giá trị thương hiệu như khóm, sầu riêng, xoài, lúa – gạo; chăn nuôi tập trung; kết nối và nâng cao chất lượng môi trường sống của các cộng đồng dân cư hiện hữu, kết nối thành mạng lưới đan xen trong cảnh quan nông nghiệp, phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khai thác cảnh quan nông nghiệp.

Bảo tồn, khôi phục hệ sinh thái vùng Đồng Tháp Mười, mở rộng khoanh vùng bảo vệ để tránh tác động từ các hoạt động sản xuất của người dân làm ảnh hưởng đến môi trường sống của các loài động thực vật. Khu vực lân cận có thể duy trì các khu dân cư hiện hữu nhưng không phát triển quy mô lớn.

Phát triển công nghiệp quy mô lớn tại khu vực phía Bắc QL1 thuộc huyện Tân Phước (trước mắt có thể vẫn duy trì công nghiệp chế biến với các dự án đã, đang được triển khai, hoạt động, tuy nhiên không mở rộng phát triển thêm, mà thay vào đó hướng đến các loại hình công nghiệp công nghệ cao, nâng cao chất lượng lao động, không thâm dụng đất, tạo được môi trường sống tốt, công nghiệp đan xen đô thị và sinh thái).

Vùng phía Đông

Gồm thị xã Gò Công, huyện Gò Công Đông, huyện Gò Công Tây và huyện Tân Phú Đông, nằm ở phía Đông của tỉnh. Các huyện, thị xã trong vùng đều gắn kết với hệ thống mặt nước quan trọng của tỉnh gồm sông Tiền, sông Vàm Cỏ và Biển Đông. Đây là vùng phát triển thế mạnh là kinh tế biển.

Ngoài ra vùng này còn gắn kết với vùng trung tâm bằng đường bộ (tuyến QL50 và đường ven sông Tiền) và đường thủy (sông Tiền). Trong giai đoạn tới, bổ sung tuyến giao thông kết nối từ Mỹ Tho đến khu vực Tân Điền để tăng khả năng tiếp cận từ khu vực sâu trong đất liền ra vùng ven biển.

Tập trung phát triển đô thị và du lịch biển tại khu vực Gò Công Đông và Tân Phú Đông trong tầm nhìn dài hạn phát triển đô thị du lịch biển quy mô lớn gồm vùng Gò Công Đông, cù lao Tân Phú Đông, dọc theo dải đô thị ven sông Tiền, tạo nên các không gian đô thị với cảnh quan sinh thái sông nước đặc trưng, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gia tăng giá trị quỹ đất xây dựng.

Phát triển dải đô thị ven sông Tiền bao gồm cả cù lao Tân Phú Đông tạo nên các không gian đô thị với cảnh quan sinh thái sông nước đặc trưng, nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy tiềm năng du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, gia tăng giá trị quỹ đất xây dựng.

Bản đồ QHĐT Tiền Giang 2030 (7 MB)

Bản đồ QH Tiền Giang 2030

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

4.8/5 – (6 bình chọn)

– Quảng cáo –

The post Quy hoạch đô thị tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 appeared first on Cửa Sổ Tin Học.

The post Quy hoạch đô thị tỉnh Tiền Giang đến năm 2030 appeared first on Cửa Sổ Tin Học.