Quy hoạch giao thông tỉnh Gia Lai đến năm 2030

0
86

Quy hoạch phát triển hạ tầng giao thông tỉnh Gia Lai thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy và sân bay.

Hiện trạng giao thông tỉnh Gia Lai

Giao thông đường bộ

Quốc lộ

Hiện có 06 quốc lộ được phân bổ theo trục dọc và trục ngang.

– Trục dọc:

+ Đường Hồ Chí Minh (QL.14): đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 146,3 km (bao gồm cả 02 đoạn tránh Tp Pleiku và huyện Chư Sê), điểm đầu Km1564+327 đường Hồ Chí Minh, tuyến đi qua các huyện Chư Păh, TP. Pleiku, Đak Đoa, Chư Sê, Chư Pưh, điểm cuối tại Km1667+570 đường Hồ Chí Minh.

+ Đường Hồ Chí Minh – Tuyến tránh TP Pleiku: điểm đầu Km0+00 giao với Km1581+000-Đường Hồ Chí Minh, xã Hòa Phú, huyện Chư Păh, điểm cuối Km30+327 giao với Km186+700 Quốc lộ 19, xã Bàu Cạn, huyện Chư Prông, dài 30,327 km.

+ Đường Hồ Chí Minh – Tuyến tránh huyện Chư Sê: điểm đầu Km0+00 giao với Km1627+700 – Đường Hồ Chí Minh, xã la Giai, huyện Chư Sê, điểm cuối Km10+821,29 giao với Đường Hồ Chí Minh tại Km1637+450, xã la Pal, huyện Chư Sê, dài 10,82 km.

+ Đường Trường Sơn Đông: đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 213 km, điểm đầu là km230+000, đi qua các huyện K’Bang, Đak Pơ, Kông Chro, Ia Pa, Ayun Pa, Krông Pa, điểm cuối tại Km475+000.

+ Quốc lộ 14C: đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 90,88 km, Điểm đầu Km107+000, đi qua ban huyện Chư Prông, Đức Cơ và Ia Grai điểm cuối Km197+880.

– Trục ngang:

+ Quốc lộ 19: đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 157 km, điểm đầu là Km67+000, đi qua TX. An Khê, huyện Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, TP. Pleiku, Chư Prông và Đức Cơ, điểm cuối là km241+000 giáp với đường Khu kinh tế cửa khẩu Lệ Thanh.

+ Quốc lộ 19D: dài 45,5km, điểm đầu Km0+000 giao với Km134+400 – QL.19, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, điểm cuối là Km45+500 giao với Km1565+800- đường Hồ Chí Minh, xã Ia Khươl, huyện Chư Păh, tuyến đi qua huyện Mang Yang, Đak Đoa, Chư Păh.

+ Quốc lộ 25 (QL.25): đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 112 km, điểm đầu là Km69+000, đi qua các huyện Krông Pa, TX. Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Chư Sê, điểm cuối là Km180+810 giao với quốc lộ 14 (đường Hồ Chí Minh).

Đường tỉnh

Hiện có 10 tuyến đường tỉnh với tổng chiều dài 372 km, cụ thể:

– Đường tỉnh 661 (ĐT.661): dài 22,5 km, điểm đầu Km0+000 (TT Phú Hoà, H. Chư Păh), điểm cuối km22+500 (Xã Ia Ly, TT. Phú Hoà, H. Chư Păh).

– Đường tỉnh 662B (ĐT.662B): dài 24,7 km, điểm đầu Km0+000 (Xã Ia Ke, H. Phú Thiện), đi qua các huyện Phú Thiện, Ia Pa, điểm cuối km24+700 (xã Ia Kdăm Yun Hạ, huyện Ia Pa).

– Đường tỉnh 663 (ĐT.663): dài 47,3 km, điểm đầu km0+000 (xã Bầu Kạn, huyện Chư Prrông), điểm cuối km47+300 (xã Ia Puch, H. Chư Prông), 31,34 km.

– Đường tỉnh 664 (ĐT.664): dài 58,4 km, điểm đầu Km0+000 (giao với Đường Lý Thái Tổ, thành phố Pleiku), đi qua thành phố Pleiku, huyện Ia Grai, điểm cuối Km58+400 (xã Ia O, H. Ia Grai).

– Đường tỉnh 665 (ĐT.665): dài 58,03 km, điểm đầu Km0+000 (xã Ia Băng, H. Chư Prông), điểm cuối Km58+030 (xã Ia Mơr, huyện Chư Prông).

– Đường tỉnh 666 (ĐT.666): dài 61,2 km, điểm đầu Km0+000 (xã Đak Djrăng huyện Mang Yang), đi qua các huyện Mang Yang, Ia Pa, điểm cuối Km61+200 (xã PTó, huyện Ia Pa), 48,87 km.

– Đường tỉnh 667 (ĐT.667):  dài 31 km, điểm đầu Km0+000 (thị xã An Khê), tuyến đi qua thị xã An Khê, huyện Kông, Chro, điểm cuối Km31+000 (thị trấn Kông Chro, huyện Kông Chro).

– Đường tỉnh 668 (ĐT.668): dài 15,5 km, điểm đầu Km0+000 (P. Sông Bờ, TX. Ayun Pa), điểm cuối Km15+500 (xã. IA RBOL, TX. Ayun Pa).

– Đường tỉnh 669 (ĐT.669): dài 29,4 km, điểm đầu Km0+000 (P. An Tân. TX. An Khê), đi qua thị xã An Khê, huyện K’Bang, điểm cuối km29+400 (thị trấn K’Bang, huyện K’Bang).

– Đường tỉnh 670B (ĐT.670B): dài 24,06 km, điểm đầu Km0+000 (thành phố Pleiku), đi qua thành phố Pleiku, huyện Đak Đoa, điểm cuối km24+060 (xã Đak Sơmei, H. Đak Đoa).

Giao thông đường hàng không

Gia Lai có 01 cảng hàng không dùng chung dân sự và quân sự, cách trung tâm thành phố Pleiku 03 km. Giai đoạn 2011-2020 cảng hàng không Pleiku trải qua hai lần sửa chữa, nâng cấp và hiện tại đạt quy mô sân bay cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, công suất phục vụ hành khách 600.000 HK/năm, đảm bảo khai thác các loại máy bay A320/321, Boeing 737.

Hiện tại có 04 hãng hàng không gồmVietnam Airlines, Jetstar Pacific, Vietjet Air và Bamboo Airways khai thác các đường bay nối Pleiku đi/đến các trung tâm kinh tế lớn của cả nước như TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng…

Giao thông đường thủy nội địa

Với đặc thù địa hình vùng Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng nên giao thông đường thuỷ không phát triển. Hoạt động vận tải đường thuỷ ở Gia Lai còn manh mún, nhỏ lẻ và chỉ khai thác vận tải du lịch, lưu thông hàng hoá tại các lòng hồ thuỷ điện Sê San, Ayun Hạ. Hiện có 07 bến thuỷ nội địa/bến khách ngang sông phục vụ khách tham quan du lịch, tất cả 07 bến khách ngang sông tự phát.

Quy hoạch giao thông tỉnh Gia Lai

Mục tiêu đến năm 2030

Hoàn thiện và cơ bản hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, tập trung ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình trọng điểm, cụ thể như sau:

– Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 104 km, quy mô 04 làn xe.

– Xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 97 km.

– Hệ thống quốc lộ: Đầu tư nâng cấp, mở rộng các quốc lộ qua địa bàn tỉnh như đường Hồ Chí Minh, QL.19, QL.19D, QL.25, đường Trường Sơn Đông, xây dựng mới QL.19E theo giai đoạn trong Quyết định số 1454/QĐ-TTg về Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đầu tư các tuyến tránh QL.25 qua các đô thị như huyện Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện; tuyến tránh QL.19 qua các đô thị An Khê, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, thành phố Pleiku đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-6 làn xe.

– Hệ thống đường tỉnh: Tập trung đầu tư, hoàn thiện, nâng cấp hệ thống đường tỉnh, đạt tối thiểu cấp III, IV, xây dựng mới một số tuyến đường liên huyện có tính kết nối và có nhu cầu vận tải cao.

– Nhựa hoá và bê tông hoá 100% đường huyện; Cứng hoá 100% đường xã bằng nhựa hoặc bê tông xi măng; khoảng 80÷95% đường thôn, buôn của tỉnh được cứng hoá đáp ứng đạt tiêu chí nông thôn mới về đường giao thông nông thôn; 100% đường thôn, buôn ở thành phố Pleiku được cứng hóa.

– Nâng cấp sân bay Pleiku đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn của ICAO.

– Bến, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe: nâng cấp, tăng năng lực phục vụ với các bến xe hiện có; xây dựng mới các bến xe khách tại các thị trấn huyện.

– Xây dựng các cảng đường thủy nội địa của tỉnh và khuyến khích phát triển vận tải đường thủy nội địa trên địa bàn tỉnh phục vụ du lịch.

– Xây dựng các cảng cạn ICD Nam Pleiku, ICD Lệ Thanh và ICD An Phú.

Mục tiêu đến năm 2050

Tiếp tục hoàn thiện và hiện đại hoá hệ thống hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh theo các quy hoạch quốc gia đã được phê duyệt.

– Xây dựng tuyến đường sắt Tây Nguyên theo quy hoạch.

– Xây dựng đoạn cao tốc Pleiku – Lệ Thanh.

– Duy trì cảng hàng không Pleiku đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO; mở rộng diện tích theo quy hoạch. Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để tiếp nhận chuyến bay quốc tế.

– Nâng cấp một số tuyến đường liên huyện thành đường tỉnh.

– Xây dựng các cảng cạn ICD Diên Phú và ICD An Khê.

Giao thông đường bộ

Đường bộ quốc gia

Căn cứ Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 01/09/2021 của Thủ tướng Chính phủ về “Phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 – 2030 và tầm nhìn đến năm 2050”.

Đường bộ cao tốc

Trục dọc:

Xây dựng đoạn tuyến đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây (CT.02).

  • Đoạn Ngọc Hồi (Kon Tum) – Pleiku (Gia Lai), đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 25 km, quy mô 06 làn xe.
  • Đoạn Pleiku (Gia Lai) – Buôn Ma Thuột (Đắk Lắk) đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 72 km, quy mô 06 làn xe.

– Trục ngang:

Tuyến đường bộ cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh (CT.20): Xây dựng đoạn Quy Nhơn – Pleiku, đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 104 km, quy mô 04 làn xe; đoạn thành phố Pleiku – Lệ Thanh dài 50 km, quy mô 04 làn xe, xây dựng sau năm 2030.

Đường quốc lộ

– Trục dọc:

  • Đường Hồ Chí Minh (QL.14), đoạn qua tỉnh Gia Lai dài 104 km, cấp III, 2-4 làn xe.
  • Đường Trường Sơn Đông, từ giao đường Hồ Chí Minh, Thạch Mỹ, huyện Nam Giang, tỉnh Quảng Nam đến thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng dài 671 km (đoạn qua Gia Lai dài 213 km), cấp III – IV, 02 – 04 làn xe.
  • Quốc lộ 14C (QL.14C), từ Km107+000, huyện Ia Grai đến Km197+880, huyện Chư Prông, tỉnh Gia Lai, dài 90,5 km, III – IV, 02 – 04 làn xe.
  • Quốc lộ 19E (QL.19E), điểm đầu QL.19, thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai, điểm cuối tại QL.19C, Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên), dài 135 km, đoạn qua Gia Lai dài khoảng 74,2 km, quy mô đường cấp III – IV, 02 – 04 làn xe.

– Trục ngang:

  • Quốc lộ 19 (QL.19), từ cảng Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định đến cửa khẩu Lệ Thanh, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai, dài 229 km (đoạn qua Gia Lai dài 155 km), cấp III 02 – 06 làn xe. xây dựng các tuyến tránh qua đô thị huyện TX. An Khê, Đak Pơ, Mang Yang, Đak Đoa, Tp. Pleiku đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-6 làn xe.
  • Quốc lộ 19D (QL.19D), từ điểm giao QL.19, thị trấn Kon Dỡng, huyện Mang Yang, tỉnh Gia Lai đến điểm giao đường Hồ Chí Minh, huyện Chư Păh, tỉnh Gia Lai, dài 45.5 km, cấp III – IV, 2-4 làn xe.
  • Quốc lộ 25 (QL.25), đoạn qua tỉnh Gia Lai dài khoảng 112 km, điểm đầu là Km69+000, đi qua các huyện Krông Pa, TX. Ayun Pa, huyện Phú Thiện, Chư Sê, điểm cuối là Km180+810 giao với đường Hồ Chí Minh, cấp III 02 – 04 làn xe. xây dựng các tuyến tránh qua đô thị Krông Pa, Ayun Pa, Phú Thiện đạt tiêu chuẩn đường cấp III, 2-6 làn xe.
Đường tỉnh

Giai đoạn 2021 – 2030 quy hoạch có tổng 14 tuyến đường tỉnh, tổng chiểu dài khoảng 727 km, trong đó bao gồm 09 tuyến đường tỉnh hiện hữu được nâng cấp, cải tạo, kéo dài; 05 tuyến đường liên huyện được nâng cấp thành đường tỉnh, cụ thể:

(1). Đường tỉnh 661 (ĐT.661), dài 22,5 km: Duy trì cấp III, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(2). Đường tỉnh 662B (ĐT.662B), dài 59,6 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(3). Đường tỉnh 663 (ĐT.663)), dài 47,3 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt cấp III- IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(4). Đường tỉnh 664 (ĐT.664), dài 58,4 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III- IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác

(5). Đường tỉnh 665 (ĐT.665), dài 58,03 km: Duy trì hiện trạng cấp cấp III- IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(6). Đường tỉnh 666 (ĐT.666), dài 61,2 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III-IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác

(7). Đường tỉnh 668 (ĐT.668):  Đoạn thuộc Gia Lai dài 15,5 km: Nâng cấp đạt tiêu chuẩn đường cấp III, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(8). Đường tỉnh 669 (ĐT.669), dài 29,4 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(9). Đường tỉnh 670B (ĐT.670B), dài 24,06 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp III, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

Giai đoạn 2021-2030 nâng cấp 05 tuyến đường liên huyện thành đường tỉnh tối thiểu đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, cụ thể:

(10). Đường tỉnh mới (PleiKu – Đak Đoa – Chư Sê), nâng cấp từ tuyến đường liên huyện Pleiku – Đak Đoa – Chư Sê thành đường tỉnh), dài 36 km: Nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn đường cấp IV, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(11). Đường tỉnh mới (Tuyến T1), dài khoảng 92 km: Xây dựng tuyến đạt cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(12). Đường tỉnh mới (Tuyến T2), dài khoảng 90 km: Xây dựng tuyến đạt cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác

(13). Đường tỉnh mới (Tuyến T3), dài khoảng 63 km: Xây dựng tuyến đạt cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(14). Đường tỉnh mới (Tuyến T6), dài khoảng 70 km: Xây dựng tuyến đạt cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

Giai đoạn sau năm 2030 ngoài 14 tuyến đưởng tỉnh hiện có sẽ nâng 03 tuyến đường liên huyện thành đường tỉnh (17 tuyến với tổng chiều dài khoảng 925 km).

(15). Đường tỉnh mới (Tuyến T8), dài khoảng 46 km, xây dựng tuyến đạt tối thiểu cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(16). Đường tỉnh mới (Tuyến T9), dài khoảng 35 km, xây dựng tuyến đạt tối thiểu cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

(17). Đường tỉnh mới (Tuyến T10), dài khoảng 95 km, xây dựng tuyến đạt tối thiểu cấp IV, đoạn qua đô thị đạt tiêu chuẩn đường đô thị, bảo trì thường xuyên phục vụ khai thác.

Các tuyến đường vành đai

Đầu tư trên 50 km tuyến vành đai, tuyến tránh gồm: Hình thành các tuyến đường vành đai là các tuyến tránh các đô thị là trung tâm của các vùng động lực đã được xác định như Tp Pleiku, TX An Khê, TX Ayun Pa:

Thành phố Pleiku:

+ Giai đoạn 2021-2025 xây dựng hoàn chỉnh khép kín tuyến vành đai 1, trong đó đầu tư nâng cấp tuyến, Lê Thánh Tôn, Lê Đại Hành, Ngô Quyền, Lý Thường Kiệt, Nguyễn Chí Thanh.

+ Hoàn chỉnh các tuyến vành đai 2: Gồm đầu tư xây dựng tuyến đường tránh phía Tây thành phố Pleiku cùng với đường hành lang kinh tế phía Đông thành phố Pleiku (đường tránh QL.19) và tuyến tránh QL.19 khu vực phía Đông – Nam thành phố Pleiku (thuộc dự án tăng cường kết nối giao thông khu vực Tây Nguyên – QL.19) tạo thành đường vành đai khép kín phục vụ cho việc mở rộng không gian đô thị Pleiku.

Thị xã An Khê: Hoàn thành các tuyến tránh trung tâm thị xã An Khê (tuyến tránh phía Nam và phía Bắc thị xã; ưu tiên tập trung phát triển đường tránh phía Bắc thị xã (tuyến tránh TX. An Khê – QL.19).

Thị xã Ayun Pa: Ưu tiên xây dựng tuyến vành đai 01 (điểm đầu từ QL.25 phường Cheo Reo, thị xã Ayun Pa đến giao với đường Trường Sơn Đông và QL.25), đây là tuyến đường tránh QL.25 về phía tây thị xã Ayun Pa; ưu tiên tập trung phát triển hệ thống đường giao thông đô thị, các tuyến đường quy hoạch khu dân cư theo quy hoạch để kết nối với tuyến vành đai mở rộng không gian đô thị.

Giao thông đường sắt

Xây dựng tuyến đường sắt mới qua vùng Tây Nguyên theo quy hoạch đã được phê duyệt theo Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ:

Tuyến Đường sắt Tây Nguyên (Đà Nẵng – Kon Tum – Gia Lai- Đắk Lắk – Bình Phước) dài 550 km, khổ đường 1.435mm, đường đơn, xây dựng sau năm 2030.

Đường hàng không

Căn cứ quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cảng hàng không Pleiku được quy hoạch đến năm 2030: diện tích đất sử dụng 359 ha, đạt cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, công suất phục vụ hành khách bốn triệu HK/năm, đến năm 2050 duy trì cấp 4C theo tiêu chuẩn ICAO, công suất phục vụ hành khách năm triệu HK/năm. Đảm bảo các điều kiện cơ sở vật chất, kỹ thuật để tiếp nhận chuyến bay quốc tế

Giao thông đường thủy

a) Quy hoạch luồng tuyến đường thủy nội địa

– Tập trung khai thác giao thông vận tải đường thủy nội địa trên các đoạn sông Sê San, lòng hồ thủy điện Sê San giữa 02 huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) và huyện Ia H’Drai (tỉnh Kon Tum) nhằm phục vụ nhu cầu du lịch, vận tải hàng hóa, nông sản của người dân.

–  Đẩy mạnh khai thác vận tải hành khách trên lòng hồ thủy điện, thủy lợi lớn phục vụ nhu cầu du lịch.

b) Quy hoạch bến thủy nội địa

– Trên địa bàn xã Ia O (thuộc lòng hồ thủy điện Sê San 4): quy hoạch 03 bến.

– Trên địa bàn xã Ia Khai (thuộc lòng hồ thủy điện Sê San 4): quy hoạch 02 bến.

– Trên địa bàn xã Ia Grăng (thuộc lòng hồ thủy điện Ia Grai 1): quy hoạch 01 bến.

– Xã Ayun Hạ, huyện Phú Thiện (thuộc lòng hồ thủy lợi Ayun Hạ): Quy hoạch 01 bến.

– Xây dựng và cấp phép các bến thủy nội địa trên các lòng hồ thủy điện, thủy lợi (Ia Ly, An Khê – Kanak, Ia Mơ, Bàu Cạn, Hoàng Ân, Chư Prông, Thơ Ga…) để phục vụ cho hoạt động du lịch.

Hạ tầng Logistics và Cảng cạn (ICD)

Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng giao thông quốc gia tại Gia Lai hình thành các tuyến đường bộ cao tốc, tuyến đường sắt Tây Nguyên và nâng cấp cảng hàng không Pleiku giúp cho Gia Lai kết nối với các tỉnh trong vùng Tây Nguyên, các cảng biển vùng Duyên hải miền Trung, bến xe, các khu công nghiệp, các cửa khẩu (thuộc các tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông. Hạ tầng giao thông kết nối Trung tâm Logistic ở khu công nghiệp Nam Pleiku bao gồm các tuyến đường sắt Tây Nguyên, tuyến cao tốc Bắc Nam phía Tây và tuyến cao tốc Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh.

Hạ tầng giao thông kết nối Trung tâm kho vận quốc tế Logistics ở Mang Yang là các tuyến QL.19, Quy Nhơn – Pleiku – Lệ Thanh, hành lang vận tải đường Trường Sơn Đông.

Đến năm2030, xây dựng 03 cảng cạn (ICD): ICD Nam Pleiku diện tích 10 ha, ICD Lệ Thanh diện tích 10 ha, ICD An Phú (diện tích 10 ha). Đến năm 2050 xây dựng thêm cảng cạn Diên Phú (Tp. Pleiku, diện tích 10 ha) và ICD An Khê diện tích 10 ha (tại thị xã An Khê).

Hồ sơ QH tỉnh Gia Lai 2030

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

(Quy hoạch giao thông tỉnh Gia Lai : TP Pleiku, An Khê, Ayun Pa, Chư Păh, Chư Prông, Chư Pưh, Chư Sê, Đak Đoa, Đak Pơ, Đức Cơ, Ia Grai, Ia Pa, Kbang, Kông Chro, Krông Pa, Mang Yang, Phú Thiện)

5/5 – (3 bình chọn)