Quy hoạch giao thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030

0
85

/* custom css */
.tdi_2.td-a-rec{
text-align: center;
}.tdi_2 .td-element-style{
z-index: -1;
}.tdi_2.td-a-rec-img{
text-align: left;
}.tdi_2.td-a-rec-img img{
margin: 0 auto 0 0;
}@media (max-width: 767px) {
.tdi_2.td-a-rec-img {
text-align: center;
}
}

Quy hoạch phát triển giao thông tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy, đường biển, hàng không và cảng ICD.

Hiện trạng giao thông tỉnh Khánh Hòa

Đường bộ

Hệ thống quốc lộ

Hệ thống quốc lộ trên địa bàn tỉnh hiện có 06 tuyến đang khai thác gồm: QL.1, QL.1C, QL.26, QL.26B, QL.27B, QL.27C. Hiện nay QL.1, QL.1C, QL.26 và QL.26B cơ bản đã được nâng cấp, mở rộng tối thiểu đạt cấp III.

Còn lại QL.27B và QL.27C hầu hết là đường cấp VI, cấp V (đồng bằng và miền núi), mặt đường chủ yếu kết cấu BTN, 1 số đoạn kết cấu BTXM, một số đoạn qua đô thị được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị.

Cụ thể về hiện trạng kết cấu hạ tầng các tuyến quốc lộ như sau:

– Quốc lộ 1: Đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 152km, có điểm đầu tại Km1366+546 – huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại Km1525+000. Hiện trạng chủ yếu là đường cấp III đồng bằng (chiếm 96,18%), mặt đường rộng 11-18m. Tình trạng mặt đường trên toàn tuyến tốt.

– Quốc lộ 1C: Nằm hoàn toàn trên tỉnh Khánh Hòa, có chiều dài 17km, điểm đầu tại giao với QL.1 tại xã Vĩnh Lương, Tp. Nha Trang và điểm cuối tại xã Diên An, huyện Diên Khánh. Hiện tuyến được giao về cho tỉnh quản lý. QL. 1C đạt quy mô đường cấp II, III đồng bằng, bề rộng nền (16-32)m, bề rộng mặt (10- 24)m, kết cấu BTN.

– Quốc lộ 26: Nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa và Đăk Lăk, có chiều dài 153,58km, điểm đầu tại Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa và điểm cuối tại Tp. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk. Đoạn tuyến QL.26 đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 34,9km, hầu hết đạt quy mô đường cấp III đồng bằng (đoạn từ Km28+000 đến Km32+000 đạt cấp III miền núi), bề rộng nền (9-26,5)m, bề rộng mặt đường (5- 16)m, kết cấu BTN.

– Quốc lộ 26B: Nằm hoàn toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, nối từ nhà máy đóng tàu Huyndai Việt Nam tới QL.1, dài 13,32 km, đạt quy mô cấp III đồng bằng, bề rộng nền (10-18)m, bề rộng mặt đường (7-14)m, kết cấu BTN.

– Quốc lộ 27B: Nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa và Ninh Thuận, có chiều dài 53km, điểm đầu tại TT. Tân Sơn, huyện Ninh Sơn, tỉnh Ninh Thuận đến xã Cam Thịnh Đông, Tp. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Đoạn tuyến QL.27B đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 8,66km từ điểm đầu Km44+000 tại xã Cam Thịnh Tây đến điểm cuối Km52+661 tại xã Cam Thịnh Đông, huyện Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa; đạt quy mô đường cấp IV, V đồng bằng, bề rộng nền 7,5m, bề rộng mặt
5,5m, kết cấu BTN.

– Quốc lộ 27C: Nối liền thành phố Nha Trang – tỉnh Khánh Hòa và thành phố Đà Lạt – tỉnh Lâm Đồng, có chiều dài 120km, điểm đầu tại xã Diên Thạnh, huyện Diên Khánh, tỉnh Khánh Hòa đến Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn tuyến QL.27C đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 65,54km đạt quy mô đường cấp III đồng bằng (từ Km0+000 đến Km17+250), cấp IV đồng bằng (từ Km17+250 đến Km26+298), cấp IV miền núi (từ Km26+298 đến Km65+543), bề rộng nền từ (9- 30)m, bề rộng mặt từ (5-14)m, kết cấu BTN.

Trong giai đoạn 2013-2020, mạng lưới đường quốc lộ được quy hoạch và phát triển theo Quy hoạch phát triển giao thông vận tải đường bộ Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 356/QĐ-TTg ngày 25/02/2013, về cơ bản các tuyến đã đảm bảo quy mô kỹ thuật theo quy hoạch được duyệt, tuy nhiên chưa ghép tuyến quốc lộ 26 và 26B thành quốc lộ 26 do chưa đầu tư xây dựng tuyến nối giữa 2 quốc lộ.

Các tuyến quốc lộ đã kết nối trung tâm hành chính, kinh tế lớn của tỉnh với các địa phương lân cận (QL.1 kết nối trung tâm hành chính các huyện, thị xã, thành phố ven biển của tỉnh trên hành lang vận tải quan trọng bậc nhất cả nước Bắc – Nam; Trục QL.26, 26B kết nối cảng Vân Phong, TX Ninh Hòa, khu vực miền núi phía Tây của Tỉnh với các tỉnh Tây Nguyên; QL.27C kết nối Nha Trang, Diên Khánh, Khánh Vĩnh với TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng; QL.27B kết nối Cam Ranh với Ninh Thuận, Lâm Đồng). Tuy nhiên, vấn đề tồn tại bất cập hiện nay đối với hệ thống đường quốc lộ của tỉnh chủ yếu như sau:

– Một số tuyến quốc lộ chính yếu, tuy nhiên đi qua khu vực miền núi, có điều kiện địa hình khó khăn, phức tạp như QL.27C, QL.27B và một số đoạn tuyến trên QL.26 chưa đảm bảo được yêu cầu kỹ thuật và nhu cầu vận tải trên tuyến. Trong giai đoạn tới cần tiếp tục được cải tạo, nâng cấp.

– Kinh tế xã hội tỉnh Khánh Hòa trong thời gian qua có những bước phát triển nhanh chóng, tốc độ đô thị hóa cao, khu vực đô thị được mở rộng. Các khu vực trước đây là ngoại thành nay đã hình thành các khu dân cư đông đúc, đặc biệt khu vực các huyện, thị xã, thành phố ven biển như TX. Ninh Hòa, Tp. Nha Trang, H. Cam Lâm, Tp. Cam Ranh. Các tuyến quốc lộ đi xuyên qua các đô thị gây xung đột giữa giao thông quá cảnh, liên vùng với giao thông nội đô, gây mất trật tự an toàn giao thông, do đó trong thời gian tới cần nghiên cứu đầu tư xây dựng các tuyến tránh quốc lộ qua địa bàn các đô thị, đặc biệt trên tuyến QL.1.

– Quốc lộ 1C nằm hoàn toàn trên địa bàn huyện Diên Khánh và Tp. Nha Trang, hiện nay không đảm bảo các tiêu chí đối với tuyến quốc lộ theo Luật Giao thông đường bộ (Quốc lộ là đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền trung tâm hành chính cấp tỉnh từ 03 địa phương trở lên; đường nối liền từ cảng biển quốc tế, cảng hàng không quốc tế đến các cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính trên đường bộ; đường có vị trí đặc biệt quan trọng
đối với sự phát triển kinh tế – xã hội của vùng, khu vực), do đó kiến nghị chuyển thành đường địa phương.

– Quốc lộ 26 và 26B chưa có kết nối liên thông theo quy hoạch, phương tiện vận tải từ khu vực phía Tây của tỉnh và khu vực Tây Nguyên phải đi qua trung tâm thị xã Ninh Hoà, theo hướng QL.1 để vào QL.26B, kéo dài quãng đường và thời gian di chuyển, tiềm ẩn mất trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TX. Ninh Hoà, do đó cần thiết xây dựng tuyến kết nối trực tiếp giữa QL.26 và QL.26B.

Ngoài ra, để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt vận tải hàng hóa phục vụ cảng biển Khánh Hòa theo Quy hoạch trở thành cảng biển loại I, tiềm năng thành cảng biển đặc biệt cần nhanh chóng đầu tư xây dựng và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông và Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (phục vụ vận tải hàng hóa trên hành lang vận tải Bắc – Nam và khu vực Tây Nguyên).

Hệ thống đường tỉnh

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có 26 tuyến đường tỉnh (02 tuyến ĐT.653B và ĐT.654D đã nâng cấp thành QL.27C), dài 463,654 km. Chất lượng mặt đường tốt, toàn bộ đã được cứng hóa với 46,17% đường bê tông nhựa, 52,78% đường láng nhựa và chỉ có 1,05% đường bê tông xi măng. Tuy nhiên mạng lưới đường tỉnh chủ yếu mới đạt cấp IV trở xuống với tỷ lệ 80,41%; đường cấp II và cấp III mới chỉ đạt 19,59%.

Tổng chiều dài đường tỉnh đạt 75,7%, số tuyến đạt 84,85% (28/33 tuyến) theo quy hoạch. Tuy nhiên, hầu hết các tuyến chưa đạt cấp kỹ thuật theo quy hoạch được đề ra. Có 05 tuyến hiện chưa được đầu tư xây dựng; 05 tuyến chưa đảm bảo chiều dài theo quy hoạch. Có 05 tuyến chưa được đầu tư xây dựng theo quy hoạch là: Đường dọc biển Vạn Ninh – Ninh Hòa (ĐT.651B), Đường Diên Đồng đi Đăk Lăk (ĐT.653E), Đường Đảnh Thạnh – Trại Găng (ĐT.653G), Đường
phía Tây bán đảo Cam Ranh (ĐT.655), Đường Vành đai thành phố Nha Trang (ĐT.657D).

Một số tuyến đường đóng vai trò hết sức quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của tỉnh trong giai đoạn tới cần được đầu tư, nâng cấp, mở rộng quy mô so với quy hoạch trước đây, cụ thể như:

  • Tuyến đường ĐT.651 (đường Đầm Môn), ĐT.651C (đường Nguyễn Huệ), ĐT.651B (đường dọc biển Vạn Ninh – Ninh Hòa) là các tuyến đường vận chuyển hàng hóa chính trong khu vực phục vụ cảng biển Vân Phong;
  • Tuyến ĐT.653 (Tỉnh lộ 2) và các tuyến kết nối TP. Nha Trang – Diên Khánh – Khánh Vĩnh với định hướng phát triển các khu đô thị (Tp. Nha Trang, đô thị Vĩnh Thái, Diên Khánh, Diên Phước, Khánh Vĩnh), đầu mối vận tải lớn (ga Vĩnh Trung thuộc tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh, ga thành phố Nha Trang thuộc đường sắt tốc độ cao Bắc Nam, bến xe khách phía Nam,…).

Mạng lưới đường tỉnh khu vực các địa phương ven biển về cơ bản đã đảm bảo kết nối liên thông với hệ thống đường địa phương và đường quốc gia, tuy nhiên đối với khu vực phía Tây và các huyện tiếp giáp với các tỉnh lân cận như Khánh Sơn, Khánh Vĩnh mạng lưới đường còn thiếu tính kết nối với các tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng, đặc biệt kết nối các tỉnh vùng Tây Nguyên hiện mới chỉ có tuyến QL.26.

Do đó trong giai đoạn tới cần xem xét quy hoạch một số tuyến tăng cường kết nối trực tiếp các huyện phía Tây với các địa phương lân cận và bổ sung tuyến kết nối các tỉnh vùng Tây Nguyên.

Đường sắt

Tuyến đường sắt Bắc – Nam chạy dọc xuyên suốt tỉnh với tổng chiều dài là 149 km, qua địa bàn 05 huyện, thị xã, thành phố của tỉnh Khánh Hòa, cụ thể:

Tuyến đường sắt là đường đơn, khổ ray 1.000mm, tốc độ khai thác tàu khách bình quân 65-70 km/h, tối đa 90 km/h, tàu hàng rất thấp dưới 20 km/h.

Năng lực khai thác tối đa 24 đôi tàu/ngày (thấp so với nhiều nước tiên tiến đã đạt mức trên 40 đôi tàu/ngày đối với đường đơn).

Trên địa bàn tỉnh có 12 ga trong đó ga Nha Trang có quy mô lớn làm nhiệm vụ trung chuyển hành khách và hàng hóa từ Khánh Hòa, các tỉnh Tây Nguyên đến các địa phương khác trong cả nước bằng đường sắt

Hiện trạng hạ tầng đường sắt tỉnh Khánh HòaHiện trạng hạ tầng đường sắt tỉnh Khánh Hòa

Đường thủy

Trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa gồm 04 khu vực đường thủy nội địa: khu vực Vịnh Cam Ranh, khu vực Vịnh Nha Trang, khu vực Đầm Nha Phu và khu vực Vịnh Vân Phong.

a. Hiện trạng các tuyến vận tải thủy nội địa

– Khu vực Vịnh Cam Ranh : Các tuyến vận tải thủy nội địa đang khai thác chủ yếu là các tuyến xuất phát từ Bến TNĐ cảng Cam Ranh đến các khu vực dân cư phục vụ nhu cầu dân sinh. Ngoài ra còn một số tuyến phục vụ du lịch như tuyến Cam Linh – Bãi Lau, tuyến Bãi Lau đi các đảo.

Phương tiện thủy nội địa đang khai thác trong khu vực gồm các tàu chở khách dưới 49 chỗ, tàu chở hàng hầu hết có trọng tải ≤ 50T.

– Khu vực Vịnh Nha Trang : Các tuyến vận tải thủy nội địa đang khai thác chủ yếu là các tuyến xuất phát từ Vĩnh Trường, Vĩnh Nguyên đến các đảo phục vụ dân sinh và du lịch.

Phương tiện thủy nội địa đang khai thác trong khu vực gồm các tàu chở khách dưới 49 chỗ, tàu chở hàng hầu hết có trọng tải ≤ 50T.

– Khu vực Đầm Nha Phu : Các tuyến vận tải thủy nội địa đang khai thác chủ yếu là các tuyến xuất phát từ bến Đá Chồng đến các nơi phục vụ dân sinh và du lịch. Phương tiện thủy nội địa đang khai thác trong khu vực gồm các tàu chở khách dưới 49 chỗ, tàu chở hàng hầu hết có trọng tải ≤ 50T.

– Khu vực Vịnh Vân Phong : Các tuyến vận tải thủy nội địa đang khai thác chủ yếu là các tuyến xuất phát từ bến Vạn Giã và Đầm Môn đến các nơi phục vụ dân sinh và du lịch. Phương tiện thủy nội địa đang khai thác trong khu vực gồm các tàu chở khách dưới 49 chỗ, tàu chở hàng hầu hết có trọng tải ≤ 50T. (Chi tiết các tuyến vận tải thủy nội địa xem tại Phụ lục).

b. Hiện trạng cảng bến thủy nội địa.

Hiện nay trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tổng số 54 cảng biến thủy nội địa, trong đó có 34 bến hành khách, 03 bến hàng hóa và 17 bến tổng hợp. Các cảng, bến đã được đầu tư xây dựng với kết cấu kiên cố (bê tông cốt thép).

c. Phương tiện thủy nội địa

Theo Thống kê của Sở GTVT, tính đến tháng 12/2020, tổng số phương tiện thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa là 1.142 chiếc, tuổi đời trung bình là 14,95. Tổng trọng tải tàu hàng đạt khoảng 14.000 tấn, tổng sức chở tàu khách đạt 28.556 người, tổng công suất máy 204.380 CV.

Đường biển

Khánh Hoà có bờ biển dài 385 km (tính theo mép nước) với nhiều vùng vịnh kín gió, nước sâu, lại nằm gần tuyến hàng hải quốc tế nên rất thuận lợi cho xây dựng cảng biển. Hiện tại trên địa bàn tỉnh có 5 cảng biển lớn và một số cảng chuyên dùng, trong đó tiêu biểu nhất là cảng Cam Ranh, cảng Đầm Môn (được định hướng thành cảng trung chuyển quốc tế).

a. Cảng biển tổng hợp

– Cảng Cam Ranh. Là cảng Ba Ngòi cũ nằm trong vịnh Cam Ranh. Cảng Cam Ranh đã có một cầu cảng dài 182 mét, rộng 20 m. Hiện đang tiếp tục đầu tư cầu tàu mới dài 180 m, rộng 30 m và mở rộng cầu tầu hiện có từ 20 m lên 30 m để tiếp cận tàu 50.000 tấn. Cảng đảm nhận xếp dỡ, luân chuyển nhiều loại hàng hóa khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên v.v.

– Cảng Nha Trang. Là cảng đa chức năng phục vụ vận tải hành khách và chuyển tải hàng hoá các loại. Cảng có 3 bến với tổng chiều dài cầu tàu 500m, rộng 20m, độ sâu trước bến của cảng 8,5m, cho phép tàu có trọng tải 20.000 DWT ra vào. Hàng năm bình quân lượng hành khách thông qua cảng khoảng 6.000 hành khách và khối lượng xếp dỡ, lưu chuyển hàng hóa khoảng 1.000.000 tấn/năm (năng lực thiết kế 350.000 tấn /năm).

– Cảng Hòn Khói. Nằm trên bán đảo Hòn Khói, phía Nam vịnh Vân Phong, thuộc thị xã Ninh Hoà, cách quốc lộ 1A khoảng 12km; cảng có một cầu tàu 70m x10m, độ sâu trước bến 3,2m, chỉ cho phép các tàu nhỏ (<1.000 tấn) như sà lan, tàu Lash cập bến. Cảng được sử dụng chuyên dùng xuất muối kết hợp với cảng hàng hoá, công suất cảng khoảng 10 vạn tấn/năm.

– Cảng Đầm Môn. Nằm trong vịnh Đầm Môn, thuộc huyện Vạn Ninh có độ sâu trung bình trên 18m, được bao bọc được bởi các hòn núi cao, thuận tiện cho tàu thuyền trú ẩn, tránh bão. Là cảng chuyên dụng xuất cát của công ty MINEXCO. Cảng có chiều dài cập tàu là 35m trong tổng số 215m, tàu 3 vạn tấn có thể cập bến. Năng lực xuất cát của cảng trên 6.000 tấn/năm nhưng thực tế chỉ đạt khoảng 3.000 tấn/năm.

b. Cảng chuyên dùng

– Cảng dầu Mỹ Giang. Chuyên dùng cho tàu xăng dầu neo đậu bơm vào kho xăng dầu Mỹ Giang phục vụ nhu cầu năng lượng khu vực miền Trung, Tây Nguyên.

– Cảng Hải Quân. Do Học viện Hải quân quản lý, là cảng có quy mô nhỏ, chỉ cho phép tàu có trọng tải dưới 2.000 tấn cập bến; là cảng huấn luyện, trung tâm tìm kiếm, cứu nạn quốc gia và phục vụ cho huyện đảo Trường Sa.

– Cảng tàu Huynđai – Vinashin. Chủ yếu phục vụ cho nhà máy của Nhà máy đóng tàu Huynđai-Vinashin.

– Cảng chuyên dùng của trạm xi măng Nghi Sơn tại Ninh Hòa.

Đường hàng không

Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh (CHKQT Cam Ranh) nằm trên bán đảo Cam Ranh, thuộc phường Cam Hải Đông, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa.

Nhà ga hành khách CHKQT Cam Ranh được thiết kế hiện đại kết hợp với nét đặc trưng truyền thống của tỉnh, thân thiện với môi trường, có diện tích: 13.995m2; diện tích sân đỗ ô tô và đường giao thông: 33.920m2 được khánh thành và đưa vào khai thác sử dụng tháng 12/2009; công suất 800 hành khách/giờ cao điểm; Trong đó, ga quốc nội 600 hành khách/giờ cao điểm, ga quốc tế 200 hành khách/giờ cao điểm.

– Cấp sân bay: 4E

– Loại hình điều khiển giao thông : Cả hai (Quốc tế và nội địa)

– Nhà ga hành khách:

  • Tổng diện tích sử dụng 13.995m2,
  • Công suất 2,5 triệu HK/năm (quốc tế), 2,6 triệu HK/năm (nội địa).
  • Tổng diện tích sân đỗ ô tô và đường giao thông: 33.920m2
  • Năng lực thông qua: 800 hành khách/ giờ cao điểm

– Nhà ga hàng hóa: Công suất 2.500 tấn hàng hóa/năm (số lượng thông quan 2019: 20.676 tấn hàng hóa/năm)

– Đường cất hạ cánh (Runway): 20-02:

  • Kích thước: 3.048m x 45m
  • Loại tầng phủ: asphalt
  • PCN: 42/R/B/X/T

– Hệ thống thiết bị hạ cánh: đèn đêm, ILS

  • Cấp cứu hỏa: 8
  • Số vị trí đỗ: 26
  • Loại tàu bay khai thác: B777/787/747,A350 và tương đương.
  • Vị trí vai trò : MCA,MGW,M1
  • Quy mô thiết kế (2019): 5,1 triệu HK/năm
  • Quy mô khai thác thực tế (2019): 9,75 triệu HK/năm
  • Diện tích đất thực tế: 715,05 ha

Quy hoạch giao thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030

Tiêu chí cụ thể

– Đường bộ: Là phương thức vận tải chủ đạo, phục vụ mục tiêu thúc đẩy các lĩnh vực kinh tế đột phá trong giai đoạn tới. Từng bước hoàn thiện mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông theo quy hoạch đến năm 2030:

  • Xây dựng và đưa vào khai thác tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông đoạn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa (Hầm Đèo Cả, các đoạn Vân Phong – Nha Trang, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo),
  • Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột,

Hệ thống quốc lộ, đường tỉnh đưa vào cấp kỹ thuật theo quy định hiện hành, cụ thể:

+ Nâng cấp, hoàn thiện mạng lưới quốc lộ bảo đảm kết nối, đạt tiêu chuẩn tối thiểu cấp III trở lên, một số đoạn đi qua khu vực miền núi đạt cấp IV trở lên. Đầu tư và đưa vào khai thác toàn tuyến đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận với quy mô tối thiểu từ cấp III trở lên.

+ Nâng cấp, mở rộng mạng lưới đường tỉnh cơ bản đạt cấp IV trở lên đối với các tuyến hiện hữu và cấp V trở lên đối với các tuyến mở mới; 100% được thảm BTN hoặc láng nhựa, BTXM.

– Đường thủy nội địa: Phát triển mạng lưới tuyến vận tải thủy và bến thủy nội địa phục vụ dân sinh và phục vụ du lịch theo đề án phát triển giao thông vận tải đường thủy nội địa của tỉnh Khánh Hòa; nghiên cứu các bến du thuyền phục vụ phát triển dịch vụ du lịch chất lượng cao.

– Đường biển: Phát triển hệ thống cảng biển Khánh Hòa là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực loại I, khu bến Bắc Vân Phong tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế; có bến container, tổng hợp, bến cảng khách quốc tế.

– Đường sắt: Nâng cấp, hiện đại hóa mạng lưới tuyến đường sắt hiện hữu, triển khai xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao đoạn TP. Hồ Chí Minh – Nha Trang.

– Hàng không: đầu tư mở rộng CHKQT Cam Ranh

Giao thông đường bộ

Cao tốc:

– Cao tốc Bắc Nam phía Đông (CT.01): Từ cửa khẩu Hữu Nghị đến Cà Mau, tổng chiều dài 2.063km. Đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có tổng chiều dài 145km, quy mô hoàn chỉnh 06 làn xe cơ giới (nền đường rộng 32,25m), giai đoạn đầu đầu tư xây dựng với quy mô 04 làn xe (nền đường rộng 17m), bao gồm 04 đoạn tuyến:

+ Hầm Đèo Cả (Phú Yên – Khánh Hòa): Dài 14km, đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa khoảng 8km

+ Đoạn Vân Phong – Nha Trang: Điểm đầu tại xã Đại Lãnh, Vạn Ninh, giáp ranh Ninh Thuận (Hầm Đèo Cả), điểm cuối tại Diên Thọ, Diên Khánh, dài 83km.

+ Đoạn Nha Trang – Cam Lâm: Điểm đầu tại Diên Thọ – Diên Khánh, điểm cuối Cam Thịnh Tây – Cam Ranh, giáp ranh Ninh Thuận, dài 49km.

+ Đoạn Cam Lâm – Vĩnh Hảo: Dài 79km, đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 05km.

– Cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột (CT.24): Theo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Khánh Hòa – Buôn Ma Thuột, chiều dài tuyến khoảng 118km, từ giao QL.1 thị xã Ninh Hòa (tại nút giao giữa QL.26B và QL.1) đến giao cắt tại khoảng Km12+450 đường Hồ đường Hồ Chí Minh tránh phía Đông thành phố Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk (cao tốc Bắc Nam phía Tây).

– Cao tốc Nha Trang – Liên Khương (CT.25): Điểm đầu giao cao tốc Bắc Nam phía Đông khu vực Nha Trang (Khánh Hòa), điểm cuối giao cao tốc Dầu Giây – Liên Khương khu vực Liên Khương (Lâm Đồng) với tổng chiều dài 85km. Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa có điểm đầu giao CT.01 tại Diên Thọ – Diên Khánh, điểm cuối tại Sơn Thái – Khánh Vĩnh, giáp ranh Lâm Đồng. Chiều dài đoạn tuyến qua tỉnh Khánh Hòa đạt 34km, quy mô 4 làn xe cơ giới, đầu tư xây dựng sau năm 2030.

Quốc lộ:

– Nâng cấp, duy tu, bảo trì 05 tuyến Quốc lộ hiện hữu: QL.1, QL.26, QL.26B, QL.27B, QL.27C. Cụ thể:

+ QL.1: Đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 152km, có điểm đầu tại Km1366+546 – huyện Vạn Ninh, điểm cuối tại Km1525+000. Nâng cấp mở rộng toàn tuyến trên địa bàn tỉnh đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 4 làn xe.

+ QL. 26: Đoạn qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 34,9km, nâng cấp toàn tuyến đạt tiêu chuẩn cấp III, quy mô 2-4 làn xe.

+ QL. 26B: Kéo dài QL.26B hiện hữu đoạn từ giao với QL.1 tại Km1415+395 khu vực Ninh Đa đến giao QL.26 (đi theo tuyến tránh QL.26B phía Bắc thị xã Ninh Hòa). Đoạn kéo dài đạt cấp III, dài 12,68km. Tổng chiều dài QL.26B khoảng 26km, đạt cấp III, 2-4 làn xe.

+ QL. 27B: Đoạn tuyến đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 8,66km từ điểm đầu Km44+000 tại xã Cam Thịnh Tây đến điểm cuối Km52+661 tại xã Cam Thịnh Đông, TP. Cam Ranh. Nâng cấp đạt quy mô đường cấp III, 2-4 làn xe.

+ QL. 27C: Đoạn đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa dài 65,54km, nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp III-IV, quy mô 2-4 làn xe, đoạn từ nút giao QL.1 – ĐT.675G (đường Võ Nguyên Giáp) đến điểm kết nối lên xuống của tuyến đường bộ cao tốc Bắc – Nam phía Đông (Diên Thọ, Diên Khánh) nâng cấp đạt tiêu chuẩn cấp II, quy mô 4-6 làn xe.

– Nghiên cứu chuyển đổi tuyến QL.1C thành đường tỉnh. Tuyến đường hiện tại đi qua khu vực trung tâm thành phố Nha Trang, được xây dựng theo tiêu chuẩn đường đô thị, dân cư tập trung đông đúc hai bên đường.

Đường bộ ven biển

Tuyến đường bộ ven biển trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa có điểm đầu tại Vạn Thọ (Vạn Ninh), điểm cuối tại Cam Lập – Cam Ranh, giáp ranh tỉnh Ninh Thuận, dài khoảng 154km. Tuyến đường bộ ven biển được hình thành từ các tuyến ĐT.651C (đoạn từ giao ĐT.651 tại Vạn Thọ), ĐT.651B từ (đoạn từ Vạn Giã đến Ninh Hòa), ĐT.657, ĐT.657I, và một phần Quốc lộ 1 trong đó đầu tư xây dựng mới đoạn từ Vạn Giã đến Ninh Hòa (theo quy hoạch tuyến ĐT.651B). Quy mô đường tối thiểu cấp III, 4 làn xe.

Đường kết nối liên vùng

Xây dựng đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng, từ Yang Bay – Tà Gu kết nối với QL.27C và đường tỉnh ĐT.707, xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận. Đường liên vùng được hình thành trên cơ sở đường ĐT.654C và đường ĐT.656.

Đường tỉnh

Quy hoạch phát triển mạng lưới đường tỉnh đến năm 2030 gồm 30 tuyến với tổng chiều dài khoảng 687,576 km. Cụ thể:

– Duy tu bảo trì giữ cấp 02 tuyến: ĐT.654, ĐT.657G.

– Nâng cấp đạt quy mô theo quy hoạch 08 tuyến: ĐT.651E, ĐT.652D, ĐT.652G, ĐT.653, ĐT.654B, ĐT.656, ĐT.657, ĐT.657I.

– Tiếp tục đầu tư xây dựng, hoàn thiện đạt quy mô cấp kỹ thuật theo quy hoạch 06 tuyến: ĐT.651, ĐT.651C, ĐT.651G, ĐT.652B, ĐT.653C, ĐT.657K.

– Chuyển đổi tuyến QL.1C thành đường tỉnh ĐT.657B

– Điều chỉnh quy hoạch 05 tuyến như sau:

+ ĐT.654C: Theo quy hoạch trước đây, ĐT.654C là đường Ngã ba nước Nhĩ đi đèo Tà Lô (Yangbay) với tổng chiều dài 21,8km, hiện còn 13,91km chưa được triển khai xây dựng. Điều chỉnh tuyến so với quy hoạch cũ như sau: điểm đầu tại giao ĐT.652H tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh) điểm cuối giao ĐT.656, xã Sơn Bình (Khánh Sơn), tổng chiều dài 50,5km. Trong đó giữ nguyên đoạn từ giao ĐT.653D đến giao ĐT.657K tại Khánh Phú (Khánh Vĩnh); chuyển một phần đường ĐT.657K đoạn từ giao ĐT.654C tại xã Sơn Hiệp (Khánh Sơn) đến giao ĐT.656 (Tỉnh lộ 9) tại xã Sơn Bình (Khánh Sơn), chuyển một phần ĐT.653D đoạn từ xã Khánh Phú đến giao ĐT.653 tại xã Sông Cầu thành đường ĐT.654C; kéo dài đoạn từ giao ĐT.653 tại xã Sông Cầu đến giao ĐT.652H tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh).

Lý do: Đảm bảo tính liền mạch tuyến đường kết nối liên vùng giữa Khánh Hòa – Ninh Thuận và Lâm Đồng, thuận tiện trong công tác quản lý, đầu tư xây dựng tuyến kết nối liên vùng.

Như vậy, ĐT.654C được quy hoạch như sau: điểm đầu tại giao ĐT.652H tại xã Khánh Bình (Khánh Vĩnh), điểm cuối giao ĐT.656 tại xã Sơn Bình (Khánh Vĩnh), dài 50,5km, tối thiểu cấp III, 04 làn xe.

+ ĐT.653D điều chỉnh từ giao ĐT.653 tại Diên Phước (Diên Khánh) đến giao ĐT.654C tại Khánh Phú (Khánh Vĩnh), dài 11,08km (giảm khoảng 3,99km so với 15,07km hiện hữu). Lý do: chuyển một phần ĐT.653D đoạn từ xã Khánh Phú đến giao ĐT.653 tại xã Sông Cầu thành đường ĐT.654C.

+ Điều chỉnh tuyến ĐT.651D và tuyến ĐT.652 như sau: kết hợp giữa tuyến ĐT.652 với ĐT.651D thành tuyến ĐT.651D, có lộ trình được quy hoạch như sau: Điểm đầu tại giao QL.1 tại TT Vạn Giã, điểm cuối tại Nhà máy STX, xã Ninh Hải (Ninh Hòa), dài 34,7km, quy mô tối thiểu cấp III, 4 làn xe.

+ Điều chỉnh tuyến ĐT.652H: kéo dài điểm cuối từ TT. Diên Khánh kết nối với Nha Trang tại giao đường Phạm Văn Đồng (nút giao Mai Xuân Thưởng – Phạm Văn Đồng hiện hữu), đoạn kéo dài khoảng 10,8km. Lý do: Kết nối liên thông tuyến ĐT.652H hiện hữu với tuyến trục chính thành phố Nha Trang theo quy hoạch chung xây dựng Tp. Nha Trang.

Như vậy quy hoạch ĐT.652H sau khi điều chỉnh như sau: điểm đầu tại xã Ninh Xuân (Ninh Hòa), điểm cuối tại giao Phạm Văn Đồng tại Vĩnh Hải (Nha Trang), chiều dài 56,8km, quy mô tối thiếu cấp III, 2 làn xe, đoạn trên địa bàn thành phố Nha Trang đạt cấp trục chính đô thị, 4 làn xe cơ giới.

– Xây dựng mới 05 tuyến theo quy hoạch cũ: ĐT.651B, ĐT.653E, ĐT.653G, ĐT.655, ĐT.657D (Đường Vành đai 2 TP. Nha Trang).

– Quy hoạch mới 04 tuyến:

+ Tuyến ĐT.655C: Được hình thành trên cơ sở tuyến đường Lập Định – Suối Môn được nâng cấp thành đường tỉnh, có lộ trình cụ thể như sau: Điểm đầu tại giao QL.1 tại xã Cam Tân, đi theo hướng song song đường sắt, đường Lập Định – Suối Môn hiện hữu đến giao ĐT.656 tại xã Cam Phước Đông, kéo dài đến giao QL.1 tại Cam Thịnh Đông (Cam Ranh), tổng chiều dài 26,5km, quy mô tối thiểu cấp III, 4 làn xe. Định hướng trở thành tuyến tránh QL.1 đoạn qua Cam Lâm. Đây là tuyến kết nối trung tâm H. Cam Lâm và Tp. Cam Ranh, giảm tải Quốc lộ 1 qua khu vực và đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội của 02 địa phương trong quá trình mở rộng, phát triển đô thị trong tương lai.

+ Tuyến ĐT.656B được hình thành từ đường Ba Cụm Nam kết hợp tuyến quy hoạch kết nối từ Tỉnh lộ 9 với QL.27B (đường từ xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn, tỉnh Khánh Hòa – xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận), vị trí Điểm đầu tại lý trình Km0+000 (giao với đường Ba Cụm Nam tại Km4+892) và Điểm cuối tại lý trình Km10+000 (giao với đường QL.27B tại lý trình khoảng Km40+406 tỉnh Ninh Thuận), đi qua địa bàn các xã: xã Ba Cụm Nam, huyện Khánh Sơn; xã Cam Phước Đông, thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa và xã Phước Thành, huyện Bác Ái, tỉnh Ninh Thuận, dài 18,41km, quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.

+ Tuyến ĐT.657E (Vành đai 3 Tp. Nha Trang): Điểm đầu giao với đường Nguyễn Tất Thành tại Phước Đồng, Nha Trang; điểm cuối giao QL.1 tại Vĩnh Phương, Nha Trang, tổng chiều dài 12,3km, đạt cấp II, quy mô 4-6 làn xe.

+ Tuyến ĐT.652I: Điểm đầu từ giao QL.26 tại xã Ninh Phụng (Ninh Hòa) đến Ninh Thượng (Ninh Hòa), dài 16,4km, quy mô tối thiểu cấp IV, 2 làn xe.

– Chuyển đổi 05 tuyến đường tỉnh hiện hữu thành đường huyện, đường đô thị gồm: ĐT.652C, ĐT.652E, ĐT.655B, ĐT.657C ĐT.657H (Đường Lê Hồng Phong).

Giao thông đường sắt

a. Đường sắt quốc gia

Quy hoạch mạng lưới đường sắt quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1769/QĐ-TTg ngày 19/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó đi qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa bao gồm tuyến đường sắt Hà Nội – TP. Hồ Chí Minh (đường sắt Bắc – Nam hiện hữu), đường sắt tốc độ cao và tuyến đường sắt kết nối cảng Vân Phong, Ba Ngòi.

Cụ thể:

– Về tuyến đường sắt

+ Tuyến đường sắt Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh: Nâng cấp, từng bước hiện đại hóa tuyến đường sắt Bắc – Nam hiện hữu đạt tốc độ chạy tàu bình quân từ 80-90km/h đối với tàu khách và 50-60km/h đối với tàu hàng. Giai đoạn thực hiện: 2021-2030.

+ Tuyến đường sắt tốc độ cao: Xây dựng mới đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc Nam, đoạn Nha Trang – Tp. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2030 và đoạn Nha Trang – Đà Nẵng trong giai đoạn sau năm 2030. Tuyến cơ bản đi trong hành lang giữa QL.1, đường sắt bắc Nam hiện hữu và đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Đông.

+ Tuyến đường sắt kết nối cảng Ba Ngòi – Khánh Hòa: Xây dựng mới tuyến nhánh kết nối cảng Ba Ngòi – Khánh Hòa (khôi phục tuyến cũ Ngã Ba – Ba Ngòi), điểm đầu tại ga Ngã Ba, điểm cuối tại ga Ba Ngòi, dài 4,19km, khổ 1.000mm đường đơn, thực hiện trong giai đoạn sau năm 2030.

+ Nhánh đường sắt kết nối cảng Vân Phong: Xây dựng mới nhánh đường sắt xuống cảng Vân Phong, nối ray tại ga Tu Bông: điểm đầu tại khu gian Đại Lãnh – Tu Bông, điểm cuối cảng Vân Phong, dài 21,17km, khổ 1.000mm đường đơn.

Tuyến gồm 02 ga chính và bãi xếp dỡ hàng hóa, được xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.

– Về ga đường sắt:

+ Ga đường sắt trên tuyến Hà Nội – Tp. Hồ Chí Minh: Giữ nguyên các ga hiện hữu, trong đó ga Nha Trang theo Quyết định 1769/QĐ-TTg được quy hoạch duy trì ga hành khách Nha Trang, xây dựng mới ga hàng hóa tại xã Vĩnh Trung, TP. Nha Trang thay thế ga hàng hóa hiện nay. Tuy nhiên, việc nhà ga nằm ở khu vực trung tâm TP. Nha Trang, đã gây nên tình trạng ùn tắc giao thông, ảnh hưởng không nhỏ đến hình ảnh và các mục tiêu phát triển của Thành phố.

Đặc biệt, lượng tàu ra vào ga với tần suất chạy tàu cao nên thường xuyên gây ùn tắc, mất an toàn giao thông tại khu vực trước ga và tại nút giao thông Mã Vòng (có tuyến đường sắt vào ga giao cắt cùng mức với đường Lê Hồng Phong).

Do đó, đề xuất di dời ga hành khách Nha Trang ra khỏi khu vực trung tâm sau năm 2030, khi đó xây dựng ga Vĩnh Trung mới là ga hỗn hợp hành khách – hàng hóa. Việc di dời ga Nha Trang ra khỏi trung tâm phù hợp với quy hoạch phát triển đô thị thông minh cho sự phát triển của Nha Trang trong tương lai.

+ Ga đường sắt tốc độ cao: Theo Quy hoạch đường sắt quốc gia, trên địa bàn tỉnh Khánh Hoà có 01 ga đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam được đặt trên địa bàn huyện Diên Khánh, gần QL.27C, cách trung tâm thành phố Nha Trang khoảng 11km về phía Tây.

Tuy nhiên, để đảm bảo kết nối thuận tiện giữa TP. Nha Trang và khu kinh tế Vân Phong, phát triển kinh tế xã hội trên trục trên Bắc – Nam của Tỉnh, nghiên cứu đề xuất bố trí thêm 01 ga đường sắt tại khu vực ga Tu Bông thuộc Vạn Khánh, Vạn Ninh thuận tiện kết nối cảng Bắc Vân Phong.

b. Đường sắt đô thị

Nghiên cứu quy hoạch tuyến đường sắt đô thị theo hướng Bắc – Nam kết nối TP. Cam Ranh – CHKQT Cam Ranh – TP. Nha Trang, dài khoảng 45km, đưa vào khai thác trong giai đoạn sau năm 2030. Đoạn trong thành phố Nha Trang nghiên cứu xây dựng ngầm.

Ga đầu cuối gồm ga Cam Ranh (tại khu vực CHKQT Cam Ranh) và ga Tp. Nha Trang. Đối với ga Tp. Nha Trang đề xuất nghiên cứu 02 phương án:

– Đặt tại ga Nha Trang (ga ngầm) sau khi di dời ga Nha Trang hiện hữu ra ga Vĩnh Trung. Ưu điểm phương án này sẽ tận dụng được hạ tầng cơ sở hiện hữu sẵn có, đồng thời ga nằm trong khu vực trung tâm thành phố thuận tiện cho việc đi lại của người dân và du khách

– Đặt tại khu vực khu đô thị sân bay Nha Trang. Ưu điểm phương án nà đó là thuận tiện cho việc phát triển TOD, thu hút đầu tư khu đô thị sân bay Nha Trang và kết nối giao thông công cộng (với tuyến BRT ga hành khách tốc độ cao

– khu đô thị sân bay). Tuy nhiên cơ sở hạ tầng hiện không sẵn có. Tuyến đường sắt đô thị sẽ phục vụ chủ yếu hành khách du lịch từ CHKQT Cam Ranh dọc các khu du lịch, resort ven biển (quy mô 25 triệu lượt khách năm 2030 và 36 triệu lượt khách đến năm 2050) và người dân đô thị Nha Trang, Cam Ranh.

Việc xây dựng đường sắt đô thị góp phần nâng cao năng lực hệ thống VTHKCC, góp phần đảm bảo chỉ tiêu tỷ lệ VTHKCC đạt tối thiểu 15% đối với đô thị loại I.

Quy hoạch đường thủy nội địa

– Về luồng tuyến: 151 tuyến vận tải thủy nội địa, tổng chiều dài 1.991km.

– Về cảng thủy nội địa: Theo Quy hoạch kết cấu hạ tầng đường thủy nội địa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được phê duyệt tại Quyết định số 1829/QĐ-TTg ngày 31/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ, quy hoạch cụm cảng Khánh Hòa đến năm 2030 với công suất 100.000 lượt khách/năm, cỡ tàu 50 ghế.

– Về bến thủy nội địa: Quy hoạch tổng số 199 bến thủy nội địa trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, công suất đạt 21 triệu HK/năm, 2,1 triệu tấn hàng hóa/ năm, cụ thể theo từng khu vực như sau:

+ Khu vực Vịnh Cam Ranh: 46 bến, trong đó có 25 bến khách, 20 bến tổng hợp, 01 bến chuyên dùng. Công suất đạt 400.000 tấn hàng hóa/năm; 1,8 triệu hành khách/ năm. Cỡ tàu tiếp nhận từ 50-100 tấn; 60 khách;

+ Khu vực Vịnh Nha Trang: 86 bến, trong đó có 65 bến khách, 02 bến hàng hóa, 16 bến tổng hợp, 03 bến chuyên dùng. Công suất đạt 505.000 tấn hàng hóa/năm; 14,5 triệu hành khách/ năm. Cỡ tàu tiếp nhận từ 100-400 tấn; 60-350 khách.

+ Khu vực Đầm Nha Phu: 17 bến, trong đó có 13 bến khách, 04 bến tổng hợp. Công suất đạt 400.000 tấn hàng hóa/năm; 1,5 triệu hành khách/ năm. Cỡ tàu tiếp nhận từ 50-100 tấn; 60 khách.

+ Khu vực Vịnh Vân Phong: 50 bến, trong đó có 30 bến khách, 20 bến tổng hợp. Công suất đạt 750.000 tấn hàng hóa/năm; 3,2 triệu hành khách/ năm. Cỡ tàu tiếp nhận 100 tấn; 60 khách.

– Về bến du thuyền:

Theo Quy hoạch cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, hệ thống cảng biển Khánh Hòa sẽ có các cảng khách quốc tế tại khu bến Bắc Vân Phong, Nha Trang, bến khách tại khu bến Cam Ranh. Do đó, kết hợp phát triển các cảng khách quốc tế phục vụ du lịch, tăng cường thế mạnh du lịch của Tỉnh, đề xuất quy hoạch bến du thuyền tại khu vực Bắc Vân Phong; Vịnh Nha Trang, Vịnh Cam Ranh.

Quy hoạch cảng biển

Theo Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22/9/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng biển Khánh Hòa thuộc cảng biển nhóm III, là cảng biển có quy mô lớn phục vụ cho việc phát triển kinh tế – xã hội liên vùng; là cảng biển loại I, tiềm năng thành cảng biển đặc biệt. Cụ thể như sau:

– Khu bến Bắc Vân Phong:

  • Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước phía Bắc vịnh Vân Phong.
  • Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội liên vùng; tiềm năng phát triển thành cảng trung chuyển quốc tế; có bến container, tổng hợp, bến cảng khách quốc tế.
  • Cỡ tàu: tàu container trọng tải đến 24.000 TEU (250.000 tấn), tàu tổng hợp, trọng tải đến 100.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT – Khu bến Nam Vân Phong
  • Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước phía Nam vịnh Vân Phong.
  • Chức năng: phục vụ trực tiếp khu kinh tế Vân Phong và tiếp chuyển hàng lỏng/khí, hàng rời; có bến tổng hợp, hàng rời, hàng lỏng/khí.
  • Cỡ tàu: tàu tổng hợp trọng tải đến 100.000 tấn, tàu hàng rời trọng tải đến 300.000 tấn, tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 150.000 tấn.

– Khu bến Nha Trang

  • Phạm vi quy hoạch: vùng đất và vùng nước trong vịnh Nha Trang
  • Chức năng: Bến khách quốc tế và các bến du thuyền, là đầu mối du lịch biển quốc tế (phát triển phù hợp với nhu cầu và bảo đảm phát huy giá trị vịnh Nha Trang);
  • Quy mô cỡ tàu: Tàu khách đến 225.000 GT và tàu du lịch biển, du thuyền.

– Khu bến Cam Ranh

  • Phạm vi quy hoạch: Vùng đất và vùng nước vịnh Cam Ranh, Bình Ba và khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh.
  • Chức năng: Phục vụ phát triển kinh tế – xã hội tỉnh Khánh Hòa và khu vực Tây Nguyên; có bến tổng hợp, container, hàng rời, hàng lỏng/khí, bến khách và các bến phục vụ quốc phòng – an ninh.
  • Quy mô cỡ tàu: Tàu tổng hợp, container, hàng rời trọng tải đến 70.000 tấn; tàu hàng lỏng/khí trọng tải đến 10.000 tấn; tàu khách quốc tế đến 225.000 GT và tàu du lịch biển, du thuyền.

– Bến cảng huyện đảo Trường Sa

  • Phạm vi quy hoạch: Một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa.
  • Chức năng: kết nối giữa đất liền và các đảo thuộc huyện đảo Trường Sa, có vai trò phục vụ phát triển kinh tế – xã hội huyện đảo kết hợp thực hiện nhiệm vụ quốc phòng – an ninh.
  • Quy mô: Bến cảng, âu tàu, hệ thống trang thiết bị bảo đảm an toàn hàng hải và các hệ thống kết cấu hạ tầng kết nối đồng bộ.

– Các khu neo đậu chuyển tải, tránh, trú bão: Tại Vân Phong, Nha Trang, Cam Ranh, một số đảo thuộc huyện đảo Trường Sa có cỡ tàu phù hợp với điều kiện thực tế.

Quy hoạch cảng hàng không

– Quy hoạch CHKQT Cam Ranh đạt cấp 4E, công suất thiết kế 25 triệu lượt HK/năm giai đoạn 2021-2030, 36 triệu lượt HK/năm vào năm 2050.

+ Giai đoạn đến 2030

Xây dựng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng và mở rộng sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 25 triệu HK/năm. Phạm vi xây dựng, mở rộng nằm hoàn toàn trong ranh giới đất quy hoạch của Cảng hàng không.

+ Tầm nhìn đến 2050

Xây dựng và mở rộng nhà ga hành khách, khu hàng không dân dụng, xây dựng mới đường cất hạ cánh số 3 và mở rộng sân đỗ máy bay để nâng công suất lên 36 triệu HK/năm. Phạm vi xây dựng, mở rộng nằm hoàn toàn trong ranh giới đất quy hoạch của Cảng hàng không.

– Nghiên cứu xây dựng sân bay dân dụng phục vụ charter (vốn đầu tư ngoài ngân sách) gắn với phát triển KKT Vân Phong.

Quy hoạch cảng cạn ICD tại Khánh Hòa

Nghiên cứu vị trí phát triển các cảng cạn để đáp ứng nhu cầu vận tải hàng hóa của tỉnh Khánh Hòa và các khu vực lân cận:

– Cảng cạn khu vực TP. Cam Ranh: Phục vụ trực tiếp cho lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu của tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận, Lâm Đồng thông qua cảng biển Cam Ranh trên hành lang kinh tế đường QL.19 và QL.27, QL.29.

Về kết nối giao thông thuận tiện với các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (đoạn Nha Trang – Cam Lâm) đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025, QL.1, đường sắt quốc gia Hà Nội – Tp. HCM (ga Ngã Ba), CHKQT Cam Ranh.

– Cảng cạn khu vực TX. Ninh Hòa: Phục vụ trực tiếp cho lưu thông hàng hóa nội địa và xuất nhập khẩu của tỉnh Khánh Hòa, các tỉnh khu vực Tây Nguyên, Phú Yên thông qua cảng biển Vân Phong. Về kết nối giao thông thuận tiện với các tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông (đoạn Vân Phong – Nha Trang), cao tốc Buôn Ma Thuột – Nha Trang đầu tư xây dựng trong giai đoạn 2021-2025.

Bản đồ QHGT Khánh Hòa 2030 (50,7 MB)

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

(Quy hoạch giao thông tỉnh Khánh Hòa : Nha Trang, Cam Ranh, Ninh Hòa, Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Cam Lâm, Trường Sa.)

4.8/5 – (6 bình chọn)

The post Quy hoạch giao thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 appeared first on Cửa Sổ Tin Học.

The post Quy hoạch giao thông tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 appeared first on Cửa Sổ Tin Học.