Quy hoạch đô thị tỉnh Bình Thuận đến năm 2030

0
90

Quy hoạch đô thị tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 bao gồm mực tiêu, định hướng phân bổ không gian đô thị.

Mục tiêu phát triển đô thị tỉnh Bình Thuận

Mục tiêu tổng quát và tầm nhìn đến 2050

Phát triển hệ thống đô thị bền vững, từng bước hình thành hệ thống đô thị hiện đại, thông minh và văn minh với chất lượng cuộc sống cao; có mật độ kinh tế100, năng lực cạnh tranh, hiệu quả kinh tế đô thị cao, môi trường xanh, sạch đưa Bình Thuận trở thành một điểm đến trên phạm vi toàn cầu. Trong đó:

(i) Thành phố Phan Thiết hoàn thành các tiêu chí đô thị du lịch loại II trong thời kỳ 2021 – 2030, và các tiêu chí đô thị loại I trong thời kỳ 2031 – 2050;

(ii) Hình thành thành phố La Gi đô thị loại III trên cơ sở thị xã La Gi trong thời kỳ 2021 – 2025, hoàn thành các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II trong thời kỳ 2026-2030 để tiến tới hình thành thành phố La Gi đô thị loại II trong thời kỳ 2031 – 2050 trên cơ sở nâng cấp, mở rộng thị xã La Gi hiện nay;

(iii) Hình thành thị xã mới ở khu vực phía Bắc tỉnh Bình Thuận đô thị loại III, trên cơ sở nâng cấp, mở rộng hệ thống đô thị hiện hữu hiện nay trong thời kỳ 2031 – 2050;

(iv) Các trung tâm huyện lỵ khác cơ bản hoàn thành các tiêu chí đô thị loại IV.

Mục tiêu cụ thể đến năm 2030

Xây dựng thành phố Phan Thiết hướng tới các tiêu chí đô thị loại I; thị xã La Gi trở thành thành phố La Gi (trong thời kỳ 2021 – 2025) và hướng tới các tiêu chí đô thị loại II; các đô thị Võ Xu, Phan Rí Cửa, Liên Hương đạt phần lớn các tiêu chí đô thị loại IV.

Từng bước đáp ứng yêu cầu đồng bộ, hiện đại về hạ tầng của các đô thị còn lại, nhất là các trung tâm huyện lỵ; hình thành một số khu đô thị mới, khu đô thị chức năng hiện đại, trước hết là đô thị Vĩnh Tân, đô thị Sơn Mỹ. Cụ thể:

(1). Hệ thống đô thị trung tâm vùng và trung tâm tiểu vùng đối trọng:

Thành phố Phan Thiết, đô thị La Gi, chuỗi đô thị Chợ Lầu – Phan Rí Cửa – Liên Hương, đô thị Võ Xu. Trong đó:

– Thành phố Phan Thiết đóng vai trò:

  • Đô thị trung tâm cấp vùng, trung tâm phía Nam của khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ;
  • Đô thị hạt nhân trung tâm vùng tỉnh, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học công nghệ trung tâm thương mại, công nghiệp, trung tâm khai thác và chế biến hải sản của tỉnh Bình Thuận;
  • Trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế; và (iv) đô thị cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ.

– Đô thị La Gi với vùng lõi là thị xã La Gi (dự kiến trở thành thành phố đô thị loại III trong thời kỳ 2021-2025) là trung tâm tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận.

– Chuỗi đô thị Chợ Lầu – Phan Rí Cửa – Liên Hương là trung tâm tiểu vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận.

– Đô thị Võ Xu với vùng lõi là thị trấn Võ Xu đóng vai trò là trung tâm tiểu vùng Tây Bắc tỉnh Bình Thuận.

(2). Hệ thống đô thị với chức năng tổng hợp giai đoạn 2021-2030, bao gồm: Thành phố Phan Thiết, thành phố La Gi (phát triển trên cơ sở thị xã La Gi), thị trấn Liên Hương, thị trấn Chợ Lầu, thị trấn Thuận Nam, thị trấn Tân Nghĩa, thị trấn Ma Lâm, thị trấn Lạc Tánh, thị trấn Võ Xu.

(3). Hệ thống đô thị chuyên ngành, đô thị mới cấp huyện giai đoạn 2021-2030:

– Đô thị du lịch, thương mại dịch vụ: thị trấn Phan Rí Cửa, thị trấn Tân Minh, thị trấn Lương Sơn, thị trấn Đức Tài

– Đô thị công nghiệp, dịch vụ cảng: đô thị Sơn Mỹ, đô thị Vĩnh Tân.

Ngoài ra, trong quá trình phát triển, có thể xem xét hình thành các khu vực dân cư tập trung được đầu tư hạ tầng để làm tiền đề phát triển đô thị dọc theo các tuyến QL55, QL28 và các đường tỉnh trên địa bàn tỉnh (Phan Lâm, Hòa Thắng – Bắc Bình; Đa Mi, Thuận Hòa – Hàm Thuận Bắc; Tân Thành – Hàm Thuận Nam; Đông Hà, Mê Pu, Đức Linh) và khu vực Ngũ Phụng, đảo Phú Quý.

Định hướng phân bố không gian phát triển hệ thống đô thị

Căn cứ phương án phát triển kinh tế – xã hội tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; thực trạng và các chương trình phát triển đô thị tỉnh đến năm 2030… phương án phát triển hệ thống đô thị vùng tỉnh Bình Thuận giai đoạn năm 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 như sau:

– Giai đoạn 2021-2030: Có 15 đô thị; trong đó có 1 đô thị loại II (thành phố Phan Thiết), 1 đô thị loại III (thành phố La Gi), 3 đô thị loại IV (Phan Rí Cửa, Liên Hương, Võ Xu), 10 đô thị loại V. Sáp nhập thị trấn Phú Long huyện Hàm Thuận Bắc vào thành phố Phan Thiết. Phát triển thêm 2 đô thị, bao gồm: thị trấn Vĩnh Tân thuộc huyện Tuy Phong, thị trấn Sơn Mỹ thuộc huyện Hàm Tân.

– Giai đoạn 2031-2050: có 23 đô thị, cụ thể:

  • Nâng cấp, mở rộng 01 đô thị loại I (thành phố Phan Thiết);
  • Hình thành thành phố La Gi đô thị loại II trên cơ sở vùng trung tâm là thị xã La Gi hiện nay (thành phố La Gi đô thị loại III, giai đoạn 2021 – 2025);
  • Nâng cấp mở rộng đô thị loại IV Thị trấn Ma Lâm (trên cơ sở vùng trung tâm là thị trấn Ma Lâm hiện hữu và dự kiến sáp nhập xã Hàm Đức) và 04 đô thị loại IV (Liên Hương, Phan Rí Cửa, Chợ Lầu, Võ Xu);
  • Nâng cấp, mở rộng và bao gồm cả hình thành đô thị mới: 16 đô thị loại V (Bổ sung thêm 08 đô thị mới loại V (bao gồm: thị trấn Đa Mi và thị trấn Thuận Hòa thuộc huyện Hàm Thuận Bắc, Thị trấn Tân Thành thuộc huyện Hàm Thuận Nam, Thị trấn Phan Lâm , thị trấn Hòa Thắng thuộc huyện Bắc Bình, thị trấn Phú Quý thuộc huyện Phú Quý, thị trấn Đông Hà, Thị trấn Mê Pu, thuộc huyện Đức Linh).

– Tỷ lệ đô thị hóa dự kiến tăng từ 38,6% (năm 2020) lên khoảng 46,3% (năm 2025) và khoảng 50,8% (năm 2030). Dự kiến cuối giai đoạn tầm nhìn (đến năm 2050) có thể đạt tỷ lệ đô thị hóa khoảng 65-70%.

Quy hoạch định hướng đô thị Bình Thuận

Thành phố Phan Thiết

TP. Phan Thiết đóng vai trò vừa là đô thị hạt nhân của tỉnh Bình Thuận vừa là đô là đô thị trung tâm cấp vùng, trung tâm phía Nam của vùng Duyên hải Nam Trung bộ (DHNTB). Là đô thị tầm vóc quốc gia và quốc tế, có vị thế quan trọng trong chiến lược phát triển du lịch của cả nước nói chung và khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ nói riêng.

(1). Tính chất: Là đô thị loại II trực thuộc tỉnh, trung tâm vùng phía Nam của khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ; Đô thị hạt nhân trung tâm vùng tỉnh Bình Thuận. Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội, khoa học kỹ thuật của tỉnh Bình Thuận. Là trung tâm du lịch và dịch vụ cấp quốc gia và quốc tế.

Là trung tâm thương mại, công nghiệp, trung tâm khai thác và chế biến hải sản của tỉnh
Bình Thuận. Là đô thị cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ, có vị trí an ninh quốc phòng quan trọng. Hướng tới tầm nhìn phát triển thành phố Phan Thiết trở thành đô thị loại I.

(2). Động lực phát triển: Trung tâm vùng phía Nam khu vực Duyên Hải Nam Trung Bộ. Trung tâm hành chính, chính trị của tỉnh. Phát triển du lịch cấp quốc gia, quốc tế. Phát triển trung tâm giáo dục, đào tạo cấp vùng. Phát triển công nghiệp tập trung. Phát triển đánh bắt thủy sản.

(3). Quy mô:

– Dân số chính thức đến năm 2030: toàn thành phố khoảng 280.000 – 305.000 người, trong đó nội thị khoảng 250.000 – 300.000 người.

– Đất xây dựng đô thị: Đến năm 2030 khoảng 8.000 ha.

Thị xã La Gi

Thị xã La Gi được xác định là trung tâm tiểu vùng phía Nam của tỉnh. Định hướng phát triển thị xã La Gi trở thành thành phố La Gi đô thị loại III trong giai đoạn 2021-2025. Trong giai đoạn sắp tới, tập trung phát triển và hoàn thiện các hạng mục chưa đạt đảm bảo đạt chỉ tiêu đô thị loại II đến năm 2030. Hướng tới tầm nhìn phát triển thành phố La Gi trở thành đô thị loại II.

(1). Tính chất: Đô thị La Gi là trung tâm tiểu vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận. Là đô thị loại III trực thuộc tỉnh, trung tâm kinh tế, văn hoá, khoa học kỹ thuật của vùng phía Nam tỉnh Bình Thuận. Là trung tâm công nghiệp tập trung, trung tâm khai thác, chế biến hải sản của tỉnh Bình Thuận và khu vực. Là trung tâm du lịch sinh thái biển, du lịch văn hóa, lịch sử cấp vùng.

(2). Động lực phát triển: Phát triển công nghiệp tập trung. Phát triển du lịch sinh thái, di tích văn hóa: Các trung tâm du lịch ven biển Ngảnh Tam Tân, Đồi Dương – Hòn Bà, bãi biển Cam Bình, khu lâm viên kết hợp du lịch sinh thái Rừng Dầu; Dinh Thầy Thím, Bà Chúa Ngọc Thiên Y A Na (Hòn Bà). Phát triển đánh bắt thủy sản.

(3). Quy mô:

– Dân số chính thức đến năm 2030: toàn đô thị khoảng 120.000 -123.000 người, trong đó nội thị khoảng 80.000 – 100.000 người.

– Đất xây dựng đô thị: Đến năm 2030 khoảng 3.000 ha.

Bản đồ quy hoạch đô thị tỉnh Bình Thuận 2030Bản đồ quy hoạch đô thị tỉnh Bình Thuận 2030

Huyện Tuy Phong

(1). Thị trấn Phan Rí Cửa: Là đô thị loại IV, giai đoạn 2021-2025 tập trung hoàn thiện theo tiêu chí đô thị loại IV.

Tính chất: Là đô thị loại IV trực thuộc tỉnh, là trung tâm đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; công nghiệp chế biến hải sản, thương mại của huyện Tuy Phong và trung tâm du lịch phía Bắc của tỉnh.

Động lực phát triển: Phát triển công nghiệp chế biến. Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản. Phát triển du lịch sinh thái biển.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 khoảng 45.000 – 47.500 người.

Đất xây dựng đô thị: đến năm 2030 khoảng: 2.400 ha.

(2). Thị trấn Liên Hương: là trung tâm tiểu vùng phía Bắc tỉnh Bình Thuận. Là đô thị huyện lỵ huyện Tuy Phong, hiện là đô thị loại V; giai đoạn 2021- 2025 tập trung hoàn thiện theo tiêu chí đô thị loại IV.

Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của huyện Tuy Phong.

Động lực phát triển: Phát triển thương mại – dịch vụ, du lịch; nuôi trồng thủy hải sản, sản xuất nông nghiệp; phát triển công nghiệp tập trung: ngành công nghiệp chế biến, đóng tàu thuyền.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 khoảng 45.000 – 47.500 người.

Đất xây dựng đô thị: đến năm 2030 khoảng: 1.200 ha.

(3). Đô thị Vĩnh Tân (phát triển từ xã Vĩnh Tân): trở thành thị trấn vào năm 2025, cơ bản đạt tiêu chí đô thị loại V.

Tính chất: Là thị trấn kinh tế của huyện Tuy Phong; là đô thị công nghiệp gắn với KCN Tuy Phong, nhiệt điện và cảng Vĩnh Tân.

Động lực phát triển: Khai thác nước khoáng, muối Vĩnh Hảo, phát triển nhiệt điện và cảng Vĩnh Tân.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 7.000 người.

Đất xây dựng đô thị: đến năm 2030 là 300 ha.

Huyện Bắc Bình

(1). Thị trấn Chợ Lầu: Là đô thị loại V; giai đoạn 2021-2030 hoàn thiện các chỉ tiêu theo tiêu chí đô thị loại IV để hướng tới việc hoàn thiện cơ sở hạ tầng cho đô thị loại IV trong giao đoạn 2031-2050.

Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của huyện Bắc Bình.

Động lực phát triển: Phát triển thương mại dịch vụ và công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 khoảng 16.000 – 17.500 người.

Đất xây dựng đô thị: đến năm 2030 khoảng: 400 ha.

(2). Thị trấn Lương Sơn: Tập trung hoàn thiện tiêu chí của đô thị loại V.

Tính chất: Là một trong những đô thị động lực thúc đẩy sự phát triển chung của toàn huyện.

Động lực phát triển: Phát triển thương mại dịch vụ, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp Lương Sơn.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 khoảng 17.000 – 19.000 người.

Đất xây dựng đô thị: đến năm 2030 khoảng 600 ha.

(3). Hình thành các đô thị giai đoạn 2031-2050: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực xã Hòa Thắng tạo cơ sở hình thành đô thị Hòa Thắng (loại V) trở thành đô thị du lịch biển và khu vực trung tâm xã Phan Lâm, Phan Sơn để hình thành đô thị Phan Lâm (loại V) trở thành đô thị du lịch sinh thái, hỗ trợ vùng sản xuất nông, lâm nghiệp phía Bắc huyện Bắc Bình, hỗ trợ dịch vụ lữ hành, vận tải hàng hóa tuyến Lâm Đồng – Bình Thuận.

Huyện Hàm Thuận Bắc

(1). Thị trấn Ma Lâm: Là thị trấn huyện lỵ, đô thị loại V với chức năng tổng hợp. Với tình hình phát triển đô thị hiện nay, đô thị Ma Lâm vẫn duy trì là đô thị loại V, huyện lỵ huyện Hàm Thuận Bắc; tập trung xây dựng hạ tầng kết nối với khu vực xây dựng tập trung của xã Hàm Đức tiến tới mở rộng diện tích để đạt các tiêu chí đô thị loại IV trong giai đoạn 2026-2030.

– Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của huyện Hàm Thuận Bắc. Trung tâm công nghiệp – TTCN, trung tâm thương mại – dịch vụ.

– Động lực phát triển: Phát triển cụm công nghiệp tập trung, Phát triển thương mại dịch vụ (trên QL 28).

Quy mô dân số chính thức: Đến năm 2030 là 17.000 – 19.000 dân.

– Đất xây dựng đô thị: năm 2030 là khoảng 600 ha.

(2). Thị trấn Phú Long: Là đô thị loại V; định hướng nằm trong ranh giới mở rộng địa giới hành chính của thành phố Phan Thiết. Các chiến lược và giải pháp phát triển đô thị cho thị trấn Phú Long theo quy hoạch chung của thành phố Phan Thiết.

(3). Tiền đề Hình thành các đô thị giai đoạn 2031-2050: đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực các xã Đa Mi, Thuận Hòa đề tạo cơ sở hình thành đô thị Đa Mi, đô thị Thuận Hòa (loại V) là đô thị du lịch sinh thái phía Bắc huyện Hàm Thuận Bắc, hỗ trợ dịch vụ lữ hành, vận tải hàng hóa tuyến Lâm Đồng – Bình Thuận.

Huyện Hàm Thuận Nam

(1). Thị trấn Thuận Nam: Là thị trấn huyện lỵ, đô thị loại V với chức năng tổng hợp.

Tính chất: Đô thị Thuận Nam là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật của huyện Hàm Thuận Nam; là trung tâm thương mại dịch vụ phát triển trên tuyến QL1A và khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Động lực phát triển: Phát triển khu, cụm công nghiệp; thương mại dịch vụ dọc theo QL1A và phát triển du lịch gắn với khu bảo tồn thiên nhiên Tà Cú.

Quy mô dân số chính thức: Đến năm 2030 là 17.000 – 19.000 dân.

– Đất xây dựng đô thị: năm 2030 là khoảng 600 ha.

(2). Đô thị du lịch MICE: là tổ hợp đô thị du lịch kết hợp với phát triển cụm liên kết ngành về dịch vụ khoa học và đào tạo (dự án du lịch MICE); diện tích tổng thể khoảng 3000ha.

(3). Tiền đề Hình thành các đô thị giai đoạn 2031-2050: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực xã Tân Thành đề tạo cơ sở hình thành đô thị Tân Thành (loại V) là đô thị du lịch biển.

Thị trấn Lạc Tánh – Huyện Tánh Linh

Là thị trấn huyện lỵ, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của huyện Tánh Linh. Trung tâm công nghiệp – TTCN, trung tâm thương mại – dịch vụ.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là 7.500 – 18.500 người.

Đất xây dựng đô thị: năm 2030 là khoảng 735 ha.

Huyện Đức Linh

(1). Thị trấn Võ Xu: là đô thị loại V; định hướng phát triển đến 2025 đô thị Võ Xu có thể cơ bản đạt tiêu chuẩn trở thành thị xã đô thị loại IV. Các giải pháp tập trung phát triển đô thị cho thị trấn Võ Xu sẽ cần được nghiên cứu cụ thể trong giai đoạn 2021-2030 trên cơ sở mở rộng ra các xã lân cận.

Tính chất: Là đô thị trung tâm của vùng kinh tế sông La Ngà tỉnh Bình Thuận. Là trung tâm hành chính, chính trị, kinh tế văn hóa huyện Đức Linh. Trung tâm công nghiệp – TTCN làng nghề.

Động lực phát triển: Phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 35.000 – 36.500 người.

Đất xây dựng đô thị năm 2030 là khoảng 1.050 ha.

(2). Thị trấn Đức Tài: Đến năm 2030 vẫn là thị trấn đô thị loại V; là một trong 3 đô thị trung tâm của Vùng kinh tế La Ngà; thị trấn Đức Tài đóng vai trò hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển của thị trấn Võ Xu với vai trò là đô thị trung tâm của tiểu vùng kinh tế phía Tây Bắc.

Tính chất: Là đô thị loại V, trung tâm kinh tế huyện Đức Linh. Trung tâm thương mại dịch vụ, trung tâm công nghiệp chế biến.

Động lực phát triển: Phát triển thủy điện Đức Hạnh, cụm CN-TTCN Đức Hạnh chủ yếu là công nghiệp chế biến.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 21.000 người.

Đất xây dựng đô thị năm 2030 là khoảng 800 ha

(3). Tiền đề hình thành các đô thị giai đoạn 2031 – 2050: Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho khu vực xã Đông Hà và xã Mê Pu để tạo cơ sở hình thành đô thị Đông Hà và đô thị Mê Pu.

Huyện Hàm Tân

(1). Thị trấn Tân Nghĩa: Đến năm 2030 vẫn là thị trấn đô thị loại V, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V và từng bước hướng tới tiêu chí đô thị loại IV (giai đoạn 2031-2050).

Tính chất: Là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa khoa học kỹ thuật của huyện Hàm Tân. Trung tâm công nghiệp – TTCN, thương mại – dịch vụ.

Động lực phát triển: Phát triển cụm công nghiệp tập trung, Phát triển thương mại dịch vụ (trên QL 1A, QL55).

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 10.000 dân.

Đất xây dựng đô thị năm 2030 là khoảng 600 ha.

(2). Thị trấn Tân Minh: đến năm 2030 vẫn là thị trấn đô thị loại V, tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí đô thị loại V.

Tính chất: Là Thị trấn kinh tế huyện Hàm Tân, nằm trên Quốc lộ 1A và ĐT720.

Động lực phát triển: Phát triển thương mại dịch vụ, cụm CN-TTCN Tân Xuân.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 15.000 – 17.000 dân.

Đất xây dựng đô thị năm 2030 là khoảng 355 ha.

(3). Đô thị Sơn Mỹ (xã Sơn Mỹ): đến năm 2030 trở thành đô thị công nghiệp – cảng biển; trở thành thị trấn đô thị loại V.

Tính chất: Là trung tâm kinh tế của huyện Hàm Tân, là đô thị công nghiệp gắn với khu công nghiệp và cảng nước sâu Sơn Mỹ. Là đô thị mới thành lập, trung tâm kinh tế của huyện Hàm Tân, phát triển mạnh về công nghiệp, dịch vụ cảng.

Động lực phát triển: Chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng Công nghiệp, xây dựng – Thương mại, dịch vụ – Nông, lâm, ngư nghiệp; thu hút gia tăng dân số cơ học cho đô thị, tập trung đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng, đến năm 2025- 2030 thành lập thị trấn trên cơ sở địa giới xã Sơn Mỹ hiện nay.

Quy mô dân số chính thức: đến năm 2030 là khoảng 7.500 người

Đất xây dựng đô thị năm 2030 là khoảng 700 ha.

Đô thị trung tâm Huyện đảo Phú Quý

Dự kiến hình thành thị trấn Phú Quý trên cơ sở trung tâm huyện đảo hiện nay, và nếu có điều kiện hình thành thị xã Phú Quý trực thuộc tỉnh Bình Thuận trên cơ sở toàn bộ huyện đảo trong giai đoạn 2031 – 2050. Nếu điều kiện cho phép có thể hình thành trong thời kỳ sớm hơn.

Tính chất: là trung tâm kinh tế, văn hóa của tỉnh Bình Thuận; là trung tâm khai thác và chế biến hải sản xuất khẩu của Bình Thuận và các tỉnh lân cận; là trung tâm công nghiệp dịch vụ dầu khí; là trung tâm du lịch sinh thái đảo, du lịch lịch sử, văn hóa của tỉnh; là địa bàn có vị trí chiến lược về quốc phòng, an ninh.

Động lực phát triển: phát triển công nghiệp dầu khí, công nghiệp chế biến hải sản; phát triển du lịch sinh thái biển, lịch sử văn hóa (bờ biển, bãi tắm đẹp, cảnh quan đồi núi và các đảo nhỏ xung quanh; di tích lịch sử như chùa Linh Quang, Vạn An Thạnh có tuổi thọ trên 2.000 năm); phát triển đầu mối giao thông như sân bay, cảng.

Bản đồ QHĐT Bình Thuận 2030 (48 MB)

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

(Quy hoạch đô thị tỉnh Bình Thuận : TP Phan Thiết, TX La Gi, Bắc Bình, Đức Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Bắc, Hàm Thuận Nam, Phú Quý, Tánh Linh, Tuy Phong.)

4.8/5 – (5 bình chọn)