Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Nghệ An đến năm 2030

0
100

Quy hoạch vùng liên huyện tỉnh Nghệ An thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm thành phố Vinh, 3 thị xã : Cửa Lò, Hoàng Mai, Thái Hòa và 17 huyện : Anh Sơn, Con Cuông, Diễn Châu, Đô Lương, Hưng Nguyên, Kỳ Sơn, Nam Đàn, Nghi Lộc, Nghĩa Đàn, Quế Phong, Quỳ Châu, Quỳ Hợp, Quỳnh Lưu, Tân Kỳ, Thanh Chương, Tương Dương, Yên Thành.

Vùng 1- Thành phố Vinh – Tx. Cửa Lò – Hưng Nguyên – Nghi Lộc – Nam Đàn

a) Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính Tp. Vinh, Tx. Cửa Lò, huyện Nghi Lộc, huyện Hưng Nguyên, huyện Nam Đàn.

b) Quy mô: Diện tích tự nhiên 931,39 km2; Dân số năm 2020 khoảng 911.606 người; Dân số năm 2025 khoảng 1223.750 người; Dân số năm 2030 khoảng 1.518.580 người; Tỷ lệ đô thị hóa 47%;

c) Định hướng phát triển:

Vùng Tp. Vinh và phụ cận gồm các đơn vị hành chính: Tp. Vinh, Tx. Cửa Lò, huyện Hưng nguyên, Nghi lộc, Nam Đàn. Phát triển vùng đô thị Vinh và phụ cận trở thành vùng động lực trọng tâm phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Nghệ An, Trung tâm về văn hóa, giáo dục, thương mại của vùng Bắc Trung Bộ.

Được phát triển thành vùng đô thị hóa trọng tâm của Tỉnh Nghệ An với Tp. Vinh là vùng lõi, đô thị lịch sử, các đô thị vệ tinh đảm đương chức năng chuyên ngành như Cửa Lò (Du lịch và dịch vụ công cộng); Nghi Lộc (Sản xuất công nghiệp và dịch vụ logistisc); Hưng Nguyên (Nông nghiệp công nghệ cao); Nam Đàn (Du lịch sinh thái và văn hóa) được thu hút phát triển giảm sự tập trung quá tải vào trung tâm Tp. Vinh.

Tập trung chỉ đạo thực hiện Đề án phát triển Tp. Vinh thành trung tâm kinh tế, văn hóa vùng Bắc Trung Bộ, trong đó: xây dựng Tp. Vinh thành trung tâm vùng Bắc Trung Bộ về tài chính, thương mại, du lịch, khoa học công nghệ, công nghệ thông tin, công nghiệp công nghệ cao, y tế, văn hóa, thể thao, giáo dục đào tạo; cùng với Cửa Lò phát triển thành cực tăng trưởng và mũi nhọn tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Thực hiện đề án sáp nhập đơn vị hành chính Tp. Vinh, Tx. Cửa Lò và một số xã phía Nam của huyện Nghi Lộc để tạo nên đô thị Vinh mở rộng, tạo nên sự nhất quán trong quản lý phát triển kinh tế xã hội.

Phát triển vùng đô thị công nghiệp phía Bắc thuộc huyện Nghi Lộc, gắn với xây dựng Khu kinh tế Đông Nam thành khu kinh tế đa ngành, đa chức năng trọng điểm của cả nước, gắn với Tp. Vinh trở thành địa bàn phát triển có tính đột phá của tỉnh.

Hoàn thiện hạ tầng và tạo cơ chế thuận lợi để triển khai đầu tư phát triển Khu công nghiệp, dịch vụ và đô thị VSIP Nghệ An. Phát triển các huyện Hưng Nguyên, Nam Đàn, Nghi Lộc trở thành vệ tinh quan trọng kết nối với Vinh – Cửa Lò, có công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, dịch vụ phát triển, hình thành vùng nông nghiệp hàng hóa, công nghệ cao phục vụ cho các vùng công nghiệp, đô thị.

Trong đó, xây dựng đô thị hóa các huyện Nam Đàn, Nghi Lộc thành thị xã vào năm 2025, đạt các tiêu chí đô thị loại III vào năm 2030, góp phần vào vùng đô thị hóa chung.

Vùng 2 – Vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu

a) Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính Tx. Hoàng Mai và huyện Quỳnh Lưu.

b) Quy mô: Diện tích tự nhiên 611,56 km2; Dân số năm 2020 khoảng 395.039 người; Dân số năm 2025 khoảng 450.500 người; Dân số năm 2030 khoảng 531.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa 73 %;

c) Định hướng phát triển:

Vùng gồm các đơn vị huyện như sau: Tx. Hoàng Mai, huyện Quỳnh Lưu. Phát triển đô thị hóa mở rộng Tx. Hoàng Mai ra vùng huyện Quỳnh Lưu, gắn với phát triển Khu kinh tế Nghi Sơn – Thanh Hóa, cảng biển Đông Hồi. Thu hút phát triển công nghiệp, dịch vụ tập trung vào đô thị Hoàng Mai, tạo nên vùng lõi đô thị hóa cho vùng Hoàng Mai – Quỳnh Lưu.

Phát triển các khu công nghiệp Hoàng Mai, Đông Hồi với các ngành công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp điện tử và các ngành công nghiệp, dịch vụ hỗ trợ cho các dự án lớn tại Khu kinh tế Đông Nam và Khu kinh tế Nghi Sơn. Thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Hoàng Mai I, Hoàng Mai II, Khu công nghiệp Đông Hồi.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án phát triển du lịch, dịch vụ nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của vùng, nhất là phát triển các cơ sở du lịch biển, du lịch nghỉ dưỡng, phục vụ các khu công nghiệp và nhân dân các vùng lân cận.

Tập trung khai thác, nuôi trồng thủy hải sản gắn với công nghiệp chế biến; phát triển các vùng chuyên canh rau, màu theo hướng sản xuất an toàn, hữu cơ.

Tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng Tx. Hoàng Mai để xây dựng Hoàng Mai là một trong những đô thị trung tâm, tương xứng với cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Nghệ An.

Phát triển vùng Đông Nghĩa Đàn gắn với vùng Nam Thanh Hóa – Bắc Nghệ An theo các quy hoach đã được Thủ tướng và Tỉnh phê duyệt trước đây.

Vùng 3 – Vùng Thái Hòa – Nghĩa Đàn

a. Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính Tx. Thái Hòa, huyện Nghĩa Đàn.

b. Quy mô: Diện tích tự nhiên 752,46 km2; Dân số năm 2020 khoảng 209.766 người; Dân số năm 2025 khoảng 231.430 người; Dân số năm 2030 khoảng 278.020 người; Tỷ lệ đô thị hóa 46%;

c. Định hướng phát triển:

Tiếp tục phát triển định hướng các loại hình kinh tế gắn với nông nghiệp công nghệ cao, dịch vụ hỗ trợ công nghiệp chế biến khai thác khoáng sản tại khu vực, phát triển dịch vụ du lịch, hình thành các đầu mối, hành lang du lịch theo đường Hồ Chí Minh và trục quốc lộ 48.

Phát triển các khu công nghiệp tập trung, các cơ sở sản xuất quy mô lớn để khai thác nguồn lao động tại chỗ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp hiện trạng, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm. Quá trình phát triển công nghiệp phải đặc biệt lưu ý bảo vệ môi trường sinh thái tại khu vực.

Xây dựng phát triển mở rộng Thị xã Thái Hòa trở thành vùng đô thị lõi của đô thị Nghĩa Đàn, đầu mối hỗ trợ dịch vụ, công nghệ, nhà ở đô thị sinh thái cho các vùng sản xuất lân cận thuộc huyện Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Diện Châu, Quỳnh Lưu..

Vùng 4 – Vùng huyện Diễn Châu – Yên Thành

a) Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành.

b) Quy mô: Diện tích tự nhiên 856,03 km2; Dân số năm 2020 khoảng 622.083 người; Dân số năm 2025 khoảng 679.500 người; Dân số năm 2030 khoảng 760.000 người; Tỷ lệ đô thị hóa 41%;

c) Định hướng phát triển:

Vùng gồm huyện Diễn Châu và huyện Yên Thành, đây là vùng tập trung dân cư lớn, nguồn lực lao động cao, trong đó thực hiện đô thị hóa huyện Diễn Châu trở thành đô thị dịch vụ nằm ở vị trí trung tâm vùng phía Đông tỉnh Nghệ An với các chức năng về dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch, dịch vụ công cộng chất lượng cao như giáo dục đào tạo, y tế, tài chính (dịch chuyển các chức năng dịch vụ công cộng cấp tỉnh từ Tp. Vinh về Diễn Châu để đảm bảo cự ly tiếp cận).

Phát triển Huyện Diễn Châu trở thành thị xã, đô thị loại III vào năm 2030 với các chức năng dịch vụ hỗ trợ vùng liên huyện như đào tạo nguồn nhân lực cho các khu công nghiệp, khu nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao công nghệ, cung cấp các dịch vụ công cộng cho vùng liên huyện, khai thác khu vực ven biển phát triển đô thị thu lịch, bảo tồn các đặc trưng làng xóm hiện hữu. Qua đó chuyển đổi cơ cấu kinh tế lao động huyện Diễn Châu sang dịch vụ, công nghiệp là chủ yếu.

Phát triển huyện Yên Thành thành thị xã, đạt tiêu chí đô thị loại III vào năm 2030, kết hợp phát triển huyện Yên Thành với huyện Diễn Châu trở thành trục đô thị hóa trọng tâm của tỉnh Nghệ An trong giai đoạn tới. Trên cơ sở chuyển đổi kinh tế khu vực sang trọng tâm là dịch vụ công cộng, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và sản xuất công nghiệp.

Vùng 5 – Vùng huyện Đô Lương, Thanh Chương, Anh Sơn, Tân Kỳ

a) Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Đô Lương, huyện Thanh Chương, huyện Anh Sơn, huyện Tân Kỳ.

b) Quy mô: Diện tích tự nhiên 2.810,9 km2; Dân số năm 2020 khoảng 723.987 người; Dân số năm 2025 khoảng 792.760 người; Dân số năm 2030 khoảng 867.650 người; Tỷ lệ đô thị hóa 24%;

c) Định hướng phát triển:

Vùng huyện mang đặc trưng của vùng trung du miền núi phía Tây với các kết nối phía Đông gắn với vùng Vinh và Diễn Châu, kết nối phía Bắc gắn với vùng đường Hồ Chí Minh, kết nối phía Tây Bắc gắn với đường quốc lộ 7 nối ra cửa khẩu Nậm Cắn, kết nối phía Tây Nam với cửa khẩu Thanh Thủy.

Vùng huyện đóng vai trò đầu mối hỗ trợ cho vùng đồi núi phía Tây, có phần lớn diện tích là đồi núi, thuận lợi cho phát triển kinh tế lâm nghiệp, trang trại dịch vụ du lịch. Khai thác các lợi thế về cảnh quan tự nhiên sinh thái để phát triển dịch vụ du lịch.

Thực hiện phát triển các cụm công nghiệp địa phương để khai thác nguồn lao động tại chỗ, hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề nông nghiệp hiện trạng, chế biến nâng cao giá trị sản phẩm.

Đô Lương cần tái cơ cấu sản xuất lúa gạo, khoai, sắn theo hướng ưu tiên đầu tư một số loại giống để nâng cao giá trị hàng hoá, chuyển đổi giống lúa, khoai, sắn bình thường thành lúa gạo, khoai, sắn dược phẩm, phù hợp với nhu cầu thị trường.

Lúa gạo sẽ không chỉ là mặt hàng bán bình thường mà trở thành dược phẩm, thực phẩm chức năng.

Hình thành các vùng chuyên canh lúa gạo dược phẩm (như lúa tím thảo dược), khoai lang/sắn dược phẩm, theo hướng hữu cơ sinh học. Mở rộng diện tích sản xuất lúa dược liệu để phục vụ người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.

Phát triển các vùng trồng cây cây ăn quả, cây dược liệu, chăn nuôi gia súc, các sản phẩm đặc sản của vùng.

Vùng 6 – Vùng huyện Con Cuông – Tương Dương – Kỳ Sơn

a) Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Con Cuông, huyện Tương Dương, huyện Kỳ Sơn.

b) Quy mô: Diện tích tự nhiên 6.638,51 km2; Dân số năm 2020 khoảng 235.405 người; Dân số năm 2025 khoảng 257.200 người; Dân số năm 2030 khoảng 295.600 người; Tỷ lệ đô thị hóa 19%;

c) Định hướng phát triển:

Vùng liên huyện phía Tây Nam gồm Con Cuông, Tương Dương, Kỳ Sơn được định hướng phát triển mở rộng các thị trấn huyện lỵ thành trung tâm dịch vụ hỗ trợ sản xuất, dịch vụ cho vùng huyện, thu hút nhu cầu dịch cư trong địa bàn huyện để phát triển mở rộng đô thị, nâng cao tỷ lệ đô thị hóa. Tập trung xây dựng huyện Con Cuông trở thành thị xã đô thị loại IV theo hướng sinh thái, du lịch.

Theo định hướng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025; tạo điểm nhấn, động lực để phát triển khu vực miền Tây Nam và miền Tây Nghệ An
nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/NQ-QH14 của Quốc hội.

Vùng huyện miền núi phía Tây sẽ khai thác tài nguyên sinh thái Rừng, khoáng sản, văn hóa bản địa để phát triển kinh tế xã hội. Sử dụng Nông lâm nghiệp công nghệ cao và du lịch trải nghiệm sinh thái văn hóa làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng huyện.

Thu hút phát triển hạ tầng kết nối nhanh theo hành lang quốc lộ 7 để nâng cao năng lực lưu thông, kết nối vùng. Ngoài các tuyến giao thông hiện có được nâng cấp cải tạo, nắn tuyến, mở rộng lộ giới, dự trữ hành lang xây dựng các tuyến cao tốc theo hướng Đông Tây và tuyến kết nối tới các khu vực có tiềm năng phát triển.

Vùng 7 – Vùng huyện Quỳ Hợp – Quỳ Châu – Quế Phong

a. Phạm vi: Gồm toàn bộ địa giới hành chính 3 huyện Quỳ Hợp, Quỳ Châu và Quế Phong.

b. Quy mô: Diện tích tự nhiên 3.885,65 km2; Dân số năm 2020 khoảng 267.312 người; Dân số năm 2025 khoảng 287.540 người; Dân số năm 2030 khoảng 323.280 người; Tỷ lệ đô thị hóa 18%;

c. Định hướng phát triển:

Vùng liên huyện phía Tây Bắc gồm Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Quế Phong được phát triển theo các vùng huyện độc lập, phát triển đô thị, dịch vụ bám dọc theo tuyến đường quốc lộ 48, sử dụng trung tâm dịch vụ về đào tạo, y tế, văn hóa và thương mại cấp vùng tại Thái Hòa.

Phát triển mở rộng các thị trấn huyện lỵ hiện có thành các trung tâm dịch vụ, kinh tế tổng hợp của vùng huyện. Mỗi huyện phát triển thêm 2-3 thị trấn trên cơ sở nâng cấp các xã có vị trí thuận lợi. Thu hút phát triển các dự án hỗ trợ như trung tâm đào tạo để nâng cao năng lực nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, phát triển cụm công nghiệp để hỗ trợ chế biến sản phẩm nông lâm nghiệp và khoáng sản tại địa phương, phát triển các trung tâm dịch vụ hỗ
trợ du lịch.

Vùng huyện miền núi phía Tây sẽ khai thác tài nguyên sinh thái rừng, khoáng sản, văn hóa bản địa để phát triển kinh tế xã hội. Sử dụng nông lâm nghiệp công nghệ cao và du lịch trải nghiệm sinh thái văn hóa làm động lực thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội các vùng huyện.

Thu hút phát triển hạ tầng kết nối nhanh theo hành lang quốc lộ quốc lộ 48 để nâng cao năng lực lưu thông, kết nối vùng. Ngoài các tuyến giao thông hiện có được nâng cấp cải tạo, nắn tuyến, mở rộng lộ giới, dự trữ hành lang xây dựng các tuyến cao tốc theo hướng Đông Tây và tuyến kết nối tới các khu vực có tiềm năng phát triển.

Phát triển kinh tế xã hội dựa trên bảo tồn hệ sinh thái đa dạng, hấp dẫn tại khu vực, bảo tồn các giá trị văn hóa bản địa … để hình thành các giá trị đặc trưng nổi bật cho các địa phương phát triển.

Về không gian bảo tồn, sinh thái, phân thành 2 tiểu vùng: (1) Tiểu vùng nằm trong Khu dự trữ sinh quyển thế giới (Khu SQTG); (2)Tiểu vùng là các địa bàn nằm ngoài Khu STQT.

– Đối với tiểu vùng nằm trong khu STTG:

Theo quy định quản lý Khu SQTG việc quy hoạch phát triển phải bảo đảm 3 chức năng: Chức năng bảo tồn (Đóng góp vào việc bảo tồn đa dạng cảnh quan, hệ sinh thái, loài và di truyền); Chức năng phát triển (Thúc đẩy phát triển kinh tế trên cơ sở bảo đảm phát triển bền vững môi trường và thực nghiệm bảo tồn nghiên cứu khoa học; Chức năng hỗ trợ (Nghiên cứu, giám sát, đào tạo và giáo dục cộng đồng về bảo tồn và phát triển bền vững ở phạm vi địa phương, quốc gia và quốc tế).

Định hướng quy hoạch trong tiểu vùng SQTG là phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh và du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Định hướng quy hoạch phát triển các ngành trong khu vực thuộc vùng đệm và vùng chuyển tiếp tập trung phát triển các sản phẩm Nông nghiệp sạch, lâm nghiệp chế biến và trồng cây dược liệu, chú trọng việc phát triển dược liệu dưới tán rừng, phát triển chăn nuôi trâu bò quy mô lớn.

Phát triển lâm nghiệp: Tích cực trồng rừng để phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bảo vệ tốt rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng đặc dụng, Khu dự trữ sinh quyển, kết hợp với khoanh nuôi, tái sinh. Phát triển trồng rừng nguyên liệu phục vụ chế biến đồ gỗ, ván MDF, hàng thủ công mỹ nghệ,…

Phát triển nhân rộng mô hình rừng nguyên liệu gỗ, giấy, ván ép (trong các huyện vùng đệm) rừng quế ở Quế Phong, Quỳ Châu;

Định hướng phát triển các loại hình du lịch bao gồm:

1) Du lịch sinh thái, thăm quan thắng cảnh: Tham quan hệ sinh thái Vườn Quốc gia Pù Mát, thác Kèm (Con Cuông);

2) Du lịch văn hoá – cộng đồng, tham quan hệ sinh thái làng, bản xen lẫn các suối nước, ruộng bậc thang của người Thái, người Đan Lai ở Con Cuông, Quỳ Châu, Quế Phong;

3) Du lịch mạo hiểm – khám phá rừng VQG Pù Mát, KBTTN Pù Hoạt, KBTTN Pù Huống;

4) Du lịch nghiên cứu khoa học: Quan sát và chụp ảnh động, thực vật… Các sản phẩm bản địa như các bài thuốc quý, thủ công mỹ nghệ được khai thác nguyên liệu từ tự nhiên (thổ cẩm, hàng đan lát thủ công..), các sản vật đặc thù (Chanh leo, Thảo đậu khấu, Cam ..) có tính hấp dẫn cao đối với du khách.

– Đối với tiểu vùng nằm ngoài khu STTG:

Trong lĩnh vực trồng trọt: phát triển sản xuất rau quả và sản phẩm đặc sản như: cam, chanh leo, dứa, thanh long…; phát triển các loại dược liệu đặc hữu như: tam thất, đông trùng hạ thảo, các loại sâm, chú trọng việc phát triển dược liệu dưới tán rừng.

Trong lĩnh vực chăn nuôi phát triển đàn trâu, bò theo hướng mở rộng quy mô lớn hơn, khuyến khích mở rộng chăn nuôi theo hình thức công nghiệp, kết hợp mô hình trang trại và gia đình.

Trong lĩnh vực du lịch: Tập trung đầu tư, phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch trải nghiệm.

Tập trung xây dựng huyện Con Cuông trở thành thị xã theo hướng sinh thái, du lịch. Theo định hướng Nghị quyết của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX nhiệm kỳ 2020-2025, tạo điểm nhấn, động lực phát triển khu vực miền Tây Nam và miền Tây Nghệ An nhằm thực hiện tốt Nghị quyết 88/2019/NQ-QH14 của Quốc hội.

Để tăng tính kết nối các huyện, cần bổ sung mở rộng Quốc lộ 48E (đoạn từ Thị trấn Tân Kỳ đi thị xã Thái Hoà); Mở rộng quốc lộ 48D (giao với Quốc lộ 48E tại xã Tân Phú – Tân Kỳ đi huyện Quỳ Hợp); Kéo dài Quốc lộ 7C từ điểm cuối hiện tại (Đô Lương) đến nút giao với đường Hồ Chí Minh và nối với Quốc lộ 48E (bao gồm xây dựng Cầu qua Sông Con (đường tránh Thị trấn Tân Kỳ) Phát triển các ngành công nghiệp động lực là xi măng, vật liệu xây dựng, chế biến nông lâm sản, công nghiệp khai khoáng.

Chú trọng phát triển một số sản phẩm công nghiệp chế biến nông, lâm sản có lợi thế cạnh tranh, thương hiệu như: sữa, chè, các sản phẩm gỗ và ngoài gỗ, cây ăn quả, dược liệu… Khuyến khích phát triển các cơ sở khai thác, chế biến sâu các loại khoáng sản gắn với bảo vệ môi trường bền vững.

Xây dựng các KCN trên địa bàn như KCN Nghĩa Đàn, KCN Sông Dinh, KCN Tân Kỳ và một số CCN khác trên địa bàn các huyện miền núi.

Phát triển vùng chuyên canh cây công nghiệp dài ngày, cây ăn quả, cây sắn, chè, diện tích khoảng 10.000 – 12000 ha (trồng chủ yếu ở các huyện Thanh Chương, Anh Sơn, Con Cuông, Kỳ Sơn); cam, diện tích khoảng 2.000-2.500 ha (trồng chủ yếu ở các huyện Nghĩa Đàn, Qùy Hợp, Con Cuông, Thanh Chương).

Hình thành vùng chuyên canh và thâm canh trồng mía, quy mô khoảng 28.000 ha, trồng chủ yếu ở Nghĩa Đàn, Quỳ Hợp, Quỳ Châu, Tân Kỳ, Anh Sơn; Chú trọng phát triển chăn nuôi trâu, bò thịt ở tất cả các huyện miền núi; bò sữa (chủ yếu ở Nghĩa Đàn và các huyện lân cận). Khai thác có hiệu quả diện tích mặt nước các hồ đập, sông suối để nuôi trồng thủy sản.

Đối với các xã đặc biệt khó khăn, xã an toàn khu, xã biên giới, các thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, tập trung bố trí nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế – xã hội; giải quyết tình trạng thiếu đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho các hộ dân;

Quy hoạch, sắp xếp, bố trí ổn định dân cư, hộ dân tộc thiểu số còn du canh, du cư, di dân tự do, vùng thiên tai, dân cư trú trong khu rừng đặc dụng, rừng phòng hộ; hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất cho người dân;

Phát triển kinh tế nông nghiệp, lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng; ứng dụng khoa học công nghệ, phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, tạo thị trường cho sản phẩm;

Hỗ trợ thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cán bộ xã, thôn, bản và cộng đồng; nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục và đào tạo, công tác y tế; phát triển giáo dục nghề nghiệp và giải quyết việc làm cho thanh niến;

Hỗ trợ các dịch vụ, cải thiện và nâng cao đời sống nhân dân, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật; nâng cao kiến thức quốc phòng, an ninh; ưu tiên đầu tư, hỗ trợ phát triển sản xuất nhóm các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn và ưu tiên phát triển toàn diện đối với nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù.

Hồ sơ QH Nghệ An 2030

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

4.7/5 – (7 bình chọn)