Quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát (Thanh Hóa)

0
91

Phương án quy hoạch xây dựng vùng huyện Mường Lát (Thanh Hóa) thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn năm 2045.

Phạm vi, tính chất, hướng phát triển trọng tâm

Phạm vi: Phạm vi gồm toàn bộ địa giới hành chính huyện Mường Lát, hiện tại bao gồm 08 đơn vị hành chính (01 thị trấn và 07 xã), diện tích tự nhiên khoảng 814km2. Ranh giới cụ thể như sau:

  • Phía Bắc giáp tỉnh Sơn La;
  • Phía Nam giáp huyện Quan Hoá;
  • Phía Đông giáp huyện Quan Hoá;
  • Phía Tây và Tây Bắc giáp tỉnh Hủa Phăn (CHDCND Lào).

Tính chất: Là huyện miền núi phía Tây tỉnh Thanh Hóa, huyện thuộc vùng biên giới Việt Nam – Lào. Là vùng phát triển đa ngành lấy nông, lâm nghiệp tập trung và kinh tế c ửa khẩu là định hướng phát triển ưu tiên; phát triển đô thị gắn với xây dựng khối đại đoàn kết giữa đồng bào các dân tộc; đảm bảo an ninh quốc phòng.

Hướng phát triển trọng tâm: Phát triển nông, lâm nghiệp theo mô hình nông nghiệp sinh thái, bền vững với các sản phẩm chính là cây gỗ lớn, tre luồng thâm canh và chăn nuôi đại gia súc; phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm sản và tiểu thủ công nghiệp; phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng trên cơ sở khai thác các tiềm năng hiện có như: Cửa khẩu quốc tế Tén Tằn, khu bảo tồn thiên nhiên Pù Hu, khu di tích lịch sử Bản Lát (xã Tam Chung).

Bố trí, sắp xếp hệ thống các đô thị và trung tâm cụm xã

Thị trấn Mường Lát (thị trấn hiện hữu): Là trung tâm tổng hợp, huyện lỵ huyện Mường Lát; diện tích khoảng 12.660 ha, dân số dự báo đến năm 2030 khoảng 10.000 người.

Tổ chức các trung tâm cụm xã tại xã Trung Lý, Trung Sơn, Quang Chiểu.

Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế, xã hội

Định hướng phát triển hạ tầng xã hội

Hạ tầng giáo dục: Ổn định các trường trong hệ thống giáo dục hiện có, từng bước cải thiện cơ sở vật chất và nâng cao chất lượng đào tạo và tăng thêm lớp học tùy theo nhu cầu thực tế. Nâng cấp Trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên tại thị trấn Mường Lát thành trường đào tạo nghề đa ngành, đáp ứng nhu cầu lao động trong các lĩnh vực.

Hạ tầng y tế: Đến năm 2030 nâng cấp bệnh viện đa khoa huyện Mương Lát đạt 200 giường, nâng cấp cơ sở vật chất và chuyên môn trung tâm y tế dự phòng tại Trung Lý, Trung Sơn, Quang Chiểu. Các cơ sở y tế đạt chuẩn theo tiêu chí ngành và đáp ứng phục vụ nhu cầu người dân và đô thị.

Hạ tầng văn hóa, thể thao: Hoàn chỉnh và nâng cấp hệ thống các công trình văn hóa, TDTT theo tầng bậc ở các đô thị và điểm dân cư nông thôn. Tại thị trấn Mường Lát bố trí các công trình gồm: thiết chế văn hóa tổng hợp đa chức năng gồm trung tâm văn hóa – thể thao (mở rộng sân vận động hiện có, xây dựng bổ sung tổ hợp các không gian sinh hoạt văn hóa, quy mô tối thiểu 3ha).

Định hướng phát triển hạ tầng kinh tế

Hạ tầng thương mại và du lịch: Bố trí các trung tâm thương mại cấp II, cấp III, siêu thị tại khu vực đô thị Mường Lát và khu vực cửa khẩu Tén Tằn mang tính chất trung tâm trung chuyển, đầu mối giao lưu hàng hóa tại khu vực cửa khẩu biên giới. Cải tạo, nâng cấp và xây mới mạng lưới các chợ đầu mối, chợ dân sinh theo quy hoạch hệ thống chợ được phê duyệt. Phát triển các điểm du lịch tâm linh, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng gắn với khai thác thế mạnh về bản sắc văn hóa dân tộc vùng cao của huyện.

Hạ tầng phát triển công nghiệp: Phát triển 01 CCN Mường Lát (5 ha).

Quy hoạch hạ tầng giao thông huyện Mường Lát

Từng bước mở rộng nâng cấp hệ thống giao thông đường bộ hiện có gồm các tuyến Quốc lộ, tỉnh lộ trên địa bàn huyện. Quy hoạch mới các tuyến đường liên xã đảm bảo thuận lợi cho việc kết nối các xã trong huyện. Xây dựng bến xe khách cấp huyện loại 4 tại đô thị Mường Lát.

BẢN ĐỒ QH THANH HÓA 2021 – 2030

(Quy hoạch huyện Mường Lát)

4.6/5 – (7 bình chọn)