Quy hoạch đô thị thành phố Đà Nẵng đến năm 2030

0
88

Quy hoạch chung và phương án phát triển hệ thống đô thị thành phố Đà Nẵng thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Phương án quy hoạch chung đô thị TP Đà Nẵng

Xây dựng cấu trúc đô thị

a) Cấu trúc không gian chức năng

– Khu công nghiệp – công nghệ cao: Các khu công nghiệp chính bao gồm Khu công nghệ cao, công nghệ thông tin ở phía Bắc và các khu công nghiệp, khu Đổi mới sáng tạo ở phía Nam, khu cảng biển và logistic tại cảng Liên Chiểu. Hai vành đai này được kết nối với nhau thông qua đường cao tốc và hệ thống giao thông công cộng.

– Khu Logistics:

  • Khu Logistics hàng hải tập trung tại phía Bắc Vịnh Đà Nẵng, nơi ngành logistics của Đà Nẵng sẽ gắn liền với sự đầu tư xây dựng cảng Liên chiểu để tăng năng suất xử lý và vận chuyển hàng hóa của Đà Nẵng.
  • Khu Logistics sân bay nằm tại phía Tây sân bay quốc tế Đà Nẵng và phía Tây đường tránh Nam hầm Hải Vân. Các khu vực này sẽ hỗ trợ các hoạt động liên quan đến thương mại và vận tải hàng không, cũng như mở rộng tiềm năng của Đà Nẵng như một nút quan trọng trong mạng lưới logistics toàn cầu.

– Khu du lịch: Các khu du lịch dọc theo Bờ Đông và Vịnh Đà Nẵng với các đặc điểm mặt nước tự nhiên, di sản văn hóa và dịch vụ du lịch đường thuỷ. Các khu du lịch sinh thái ở khu vực miền núi phía Tây để tận dụng cảnh quan thiên nhiên và đa dạng sinh học.

– Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao: Quy mô 2000 ha, được đặt trên vùng đất tương đối bằng phẳng, có tiềm năng tưới tiêu và tránh xa sự phát triển đô thị dày đặc, khu vực này được định hướng ở phía Tây Nam gần hồ Đồng Nghệ.

– Lõi xanh sẽ là không gian công cộng mở ở giữa khu vực đô thị Đà Nẵng với các hoạt động giải trí giữa không gian thiên nhiên xanh mát cho cả người dân và du khách. Khu vực lõi xanh được định hướng hệ số sử dụng đất trung bình để tối ưu hoá giá trị của thiên nhiên và các bản sắc riêng biệt.

– Khu vực phát triển hỗn hợp: Để hướng tới hình ảnh của một thành phố sôi động cho tất cả mọi người cùng đến làm việc, sinh sống và vui chơi. Các khu vực phát triển hỗn hợp kết hợp với kinh doanh, du lịch và ở được định hướng chủ yếu ở khu vực bờ biển và phía Nam vịnh Đà Nẵng.

– Các khu dân cư: Được phân bố trên khắp địa bàn thành phố

– Các nút đô thị chính ở Đà Nẵng là:

  • Trung tâm đô thị; trung tâm Thành phố hiện tại (như là phố tài chính mới và CBD mới). Cùng với đó, chúng sẽ tạo nên một trung tâm đô thị mới.
  • Các đầu mối đô thị chính định hướng gắn liền với phát triển giao thông (TOD) ở một vài nút giao thông chính với quỹ đất trống có thể phát triển. Các đầu mối này được định hướng ở các cụm Công nghệ cao, cụm Đổi mới sáng tạo, cụm ga đường sắt mới.
  • Trung tâm du lịch theo chủ đề; Các nút (trung tâm) du lịch.

b) Cấu trúc tự nhiên sinh thái (cây xanh và mặt nước)

Khu vực sinh thái nằm ở dãy rừng núi phía Tây.

Khu vực ven mặt nước nằm dọc bờ biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng, cũng như ven các con sông trong Thành phố.

Khu lõi xanh trung tâm nằm ở những ngọn đồi ở trung tâm của Đà Nẵng. Về lâu dài, khu vực này có tiềm năng trở thành một không gian xanh thoáng đãng.

c) Cấu trúc giao thông đô thị

Sự phát triển không gian giao thông đô thị có tác động quan trọng đến việc tổ chức các chức năng & liên kết nội vùng đô thị và ngoại vùng Đà Nẵng mở rộng.

Việc phân loại đường giao thông để phân biệt vai trò và chức năng cho từng loại đường về tốc độ và khả năng phân phối, giao, cắt trong hệ thống hợp lý.

– Đường bộ đối ngoại: bao gồm: Đường cao tốc và đường quốc lộ.

– Đường bộ đối nội: bao gồm: Đường vành đai, đường trục chính đô thị.

Định hướng phát triển không gian đô thị

a) Phương án phân chia hệ thống tầng bậc đô thị

Phương án phân chia các khu đô thị:

– Dựa trên Mô hình khu đô thị nhỏ và các đặc điểm địa điểm khác, Đà Nẵng được tổ chức thành 12 phân khu với bản sắc riêng biệt.

– Ranh giới khu đô thị được xác định bởi các con đường chính (đường cao tốc và các đường huyết mạch) và các hành lang xanh. Dân số được định hướng phân bố đều khắp Đà Nẵng, với khu vực có dân số đông nhất nằm ở khu vực phát triển mới tại Phân khu Sườn đồi như một mô hình cho cuộc sống mật độ cao trong tương lai tại Đà Nẵng.

Một số khu đô thị gần như không có dân cư hoặc có dân số thấp (như Khu đô thị cảng, khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ cao,…)

– Để phù hợp với dân số dự kiến 1,56 triệu người, đồng thời giảm thiểu tình trạng dàn trải đô thị, Đà Nẵng cần tăng mật độ dân số nói chung. Mật độ dân số tại các khu đô thị Đà Nẵng được định hướng nằm trong khoảng từ mật độ thấp khoảng 1.000 người/km2, đến mật độ cao lên tới 15.000 người/km2 tạo nên mật độ dân số trung bình 6.100 người/km2.

– Nhìn chung, mật độ dân số cao nhất tập trung ở các phân khu dọc theo Vịnh Đà Nẵng và Phân khu Sườn đồi. Các khu vực đô thị hiện tại ở trung tâm Thành phố và bờ Đông sẽ chuyển đổi thành các khu vực sử dụng hỗn hợp, khuyến khích đất đơn vị ở kết hợp thương mại, dịch vụ nhưng được duy trì với mật độ cao. Trong khi đó, mật độ dân số thấp nhất là ở các phân khu chức năng chuyên biệt.

b) Phương án phân bố dân cư

Dựa trên mô hình khu đô thị nhỏ và các đặc điểm địa điểm khác, Đà Nẵng được tổ chức thành 19 khu đô thị tại 12 phân khu với bản sắc riêng biệt.

c) Định hướng phát triển phân vùng đô thị

Các phân khu đô thị được tổ chức theo 03 vùng đô thị đặc trưng là: Vùng Ven mặt nước, Vùng Lõi xanh và Vùng Sườn đồi, các vùng này được tổ chức thành 10 phân khu với những đặc tính và chức năng như sau:

Vùng ven mặt nước: Vùng ven mặt nước được xác định bởi các đặc điểm ven sông, ven biển của Đà Nẵng, nằm dọc bờ biển phía Đông và vịnh Đà Nẵng, ven các con sông trong thành phố kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Sơn Trà, Thanh Khê, Hải Châu, Ngũ Hành Sơn và một phần quận Cẩm Lệ; vùng ven biển kết nối đường bờ biển dài từ Thừa Thiên Huế tới Quảng Nam, tạo không gian sinh thái hấp dẫn cho thành phố.

Khu vực này được tổ chức thành 03 phân khu:

– Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông

+ Phân khu Ven sông Hàn và Bờ Đông:

  • Bao gồm khu vực dọc hai bên bờ Sông Hàn, sông Cổ Cò và Bờ Đông; giới hạn bởi Vịnh Đà Nẵng và bán đảo Sơn Trà phía Bắc, đường Lê Độ – Nguyễn Hữu Thọ – Võ Chí Công – sông Cổ Cò (nhánh phía Tây Đồng Nò) phía Tây, và tỉnh Quảng Nam phía Nam và biển Đông ở phía Đông;
  • Gồm một phần quận Thanh Khê: Xuân Hà, Chính Gián, Thạc Gián, Tam Thuận, Tân Chính, Vĩnh Trung;
  • Một phần quận Hải Châu: Thanh Bình, Thuận Phước, Thạch Thang, Hải Châu 1, Hải Châu 2, Phước Ninh, Nam Dương, Bình Hiên, Bình Thuận, Hòa Thuận Đông, Hòa Cường Bắc, Hòa Cường Nam;
  • Một phần quận Cẩm Lệ: Khuê Trung, Hòa Xuân (Khu đô thị Hòa Xuân);
  • Toàn bộ quận Sơn Trà (trừ bán đảo Sơn Trà);
  • Một phần quận Ngũ Hành Sơn: Mỹ An, Khuê Mỹ, Hòa Hải, Hòa Quý (Đồng Nò).

+ Là khu đô thị hiện trạng được cải tạo và tái thiết, hình thành đô thị nén khu vực trung tâm Thành phố, tập trung phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch; trọng tâm là Quảng trường trung tâm gắn với Trung tâm hành chính Thành phố; các công viên phần mềm; nút thể thao – văn hóa; khu bảo tàng sống; trục thương mại đường Hùng Vương gắn với chợ Hàn và chợ Cồn; phố đi bộ trên đường Bạch Đằng gắn với công viên APEC, chợ đêm, cầu Nguyễn Văn Trỗi; Tái thiết Khu công nghiệp Đà Nẵng, hình thành khu trung tâm kinh doanh thương mại (CBD) mới của Thành phố; Hình thành tuyến phố tài chính trên đường Võ Văn Kiệt với trọng điểm là Dự án Tổ hợp trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ, vui chơi giải trí tổng hợp và casino; Phát triển trung tâm hội nghị, hội thảo quốc tế (MICE).

+ Kết hợp với các đặc trưng hiện có và tăng cường đặc trưng mặt nước thông qua các không gian công cộng được kết nối; là không gian đô thị hiện đại, sôi động ven biển; các khách sạn, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng cao cấp đẳng cấp quốc tế; cùng với sự chuyển đổi cảng Tiên Sa thành cửa ngõ du lịch ven biển lớn.

– Phân khu ven Vịnh Đà Nẵng

+ Bao gồm khu vực ven Vịnh Đà Nẵng, là một phần các quận Thanh Khê: Xuân Hà, Chính Gián, Thanh Khê Đông, Thanh Khê Tây; quận Liên Chiểu: Hòa Minh, Hòa Khánh Nam, Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam.

+ Định hướng là khu vực cải tạo và tái thiết đô thị, trở thành khu vực có phong cách sống hỗn hợp dành cho các cư dân thu nhập tầm trung, kết hợp với các hoạt động thương mại và giải trí đa dạng. Đặc trưng của khu vực này là phát triển du lịch, vui chơi giải trí biển ven Vịnh Đà Nẵng. Đặc điểm quan trọng sẽ bao gồm một đường đi dạo ven biển, những khu chung cư tầm trung và các nhà hàng ven biển nhằm thể hiện hình ảnh của một thành phố biển.

– Phân khu Cảng biển Liên Chiểu

+ Bao gồm một phần phường Hòa Hiệp Bắc, một phần xã Hòa Liên dọc theo sông Cu Đê. Phía Đông giáp Vịnh Đà Nẵng; Phía Nam giáp sông Cu Đê; Phía Bắc và phía Tây giáp Phân khu Sinh thái phía Tây.

+ Trọng tâm là phát triển Cảng Liên Chiểu, Cụm logistics và Khu đô thị cảng biển. Mục tiêu nhằm tăng cường vị thế của Đà Nẵng như một trung tâm logistic quốc tế quan trọng.

Bản đồ định hướng không gian và phân vùng chức năng TP Đà NẵngBản đồ định hướng không gian và phân vùng chức năng TP Đà Nẵng

Vùng Lõi xanh: Nằm giữa thành phố, Vùng lõi xanh được đặc trưng hóa bởi những ngọn đồi, cây xanh, kết nối hữu cơ các quận Liên Chiểu, Cẩm Lệ và một phần huyện Hòa Vang. Khu vực này được tổ chức thành 04 phân khu:

– Phân khu Công nghệ cao

+ Bao gồm một phần quận Liên Chiểu: Hòa Khánh Bắc, Hòa Hiệp Nam; một phần huyện Hòa Vang: Hòa Liên, Hòa Sơn, Hòa Ninh, giới hạn bởi đường ĐT602 phía Nam; sông Cu Đê phía Bắc; đường Nguyễn Lương Bằng phía Đông; đồi núi phía Tây Khu công nghệ cao. Tổng diện tích khoảng 5.585 ha.

+ Trọng tâm là khu CNC, các khu công nghiệp hiện hữu, các khu công nghiệp mới (Khu phụ trợ công nghệ cao, Khu Công nghệ thông tin tập trung số 1, số 2) cùng với bến xe phía Bắc, các khu đô thị đã và đang hình thành tại Hòa Sơn, Hòa Liên, Hòa Hiệp Nam.

+ Định hướng chú trọng vào phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp sạch, thân thiện môi trường, bền vững và hiện đại, cùng với các không gian công cộng lớn, kết nối với Phân khu sinh thái ở phía Tây và sông Cu Đê ở phía Bắc.

– Phân khu Trung tâm lõi xanh

+ Được giới hạn bởi quốc lộ 14B phía Nam, đường tránh Nam Hải Vân phía Tây, đường ĐT 602, đường vành đai phía Tây 2 và đường Tôn Đức Thắng phía Bắc, đường Trường Chinh phía Đông; bao gồm một phần các quận Liên Chiểu: Hòa Khánh Bắc, Hòa Khánh Nam, Hòa Minh; quận Cẩm Lệ: Hòa An, Hòa Phát, Hòa Thọ Tây và huyện Hòa Vang: Hòa Sơn, Hòa Nhơn.

+ Là khu vực đặc trưng bởi các dãy Phước Tường – An Ngãi nhiều cây xanh, tuyến đường cao tốc Bắc – Nam, tuyến đường sắt tốc độ cao và nhà ga đường sắt.

+ Phát triển khu vực này bằng cách: Hoàn nguyên môi trường từ các khu khai thác khoáng sản để xây dựng công viên cây xanh và các khu chức năng đô thị; chuyển đổi bãi rác Khánh Sơn sau khi đóng cửa, nghĩa trang Hòa Sơn sau khi lấp đầy trở thành các công viên cây xanh sinh thái; tập trung nâng cấp, cải tạo các khu vực dân cư hiện trạng; xây dựng mới các khu dân cư tầm trung, đồng thời xây dựng những không gian công cộng mới với nhiều không gian xanh rộng lớn.

– Phân khu Đổi mới sáng tạo

+ Được giới hạn bởi Quốc lộ 14B phía Bắc; Cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, Quốc Lộ 1A ở phía Tây; Đường Võ Chí Công và Đồng Nò phía Đông; tỉnh Quảng Nam phía Nam. Bao gồm một phần quận Ngũ Hành Sơn: Hòa Quý; quận Cẩm Lệ: Hòa Xuân, Hòa Thọ Đông, Hòa Thọ Tây, Khuê Trung; huyện Hòa Vang: Hòa Nhơn, Hòa Châu, Hòa Phước. Tổng diện tích 3.903 ha.

+ Phát triển các dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, thể dục – thể thao chất lượng cao. Trọng tâm của phân khu này là Khu đô thị đại học, Trung tâm đổi mới sáng tạo, Công viên phần mềm cùng với các bệnh viện quốc tế, Khu Liên hợp thể thao Hòa Xuân và bến xe phía Nam. Khu vực sẽ đặc trưng bởi những tòa nhà quy mô trung bình phù hợp với cảnh quan thiên nhiên để thúc đẩy môi trường đổi mới sáng tạo.

– Phân khu Sân bay

+ Được tập trung quanh Sân Bay Quốc tế Đà Nẵng, giới hạn bởi đường Điện Biên Phủ phía Bắc; Trường Chinh phía Tây; Nguyễn Hữu Thọ phía Đông; Cách Mạng Tháng Tám phía Nam. Gồm một phần các quận Hải Châu: Hòa Cường Bắc, Hòa Thuận Tây; quận Thanh Khê: Thạc Gián, Chính Gián, Hòa Khê, An Khê; quận Cẩm Lệ: Khuê Trung, Hòa Thọ Đông, Hòa Phát. Tổng diện tích khoảng 1.327 ha.

+ Trọng tâm của phân khu này là Sân bay và cụm logistics hiện đại mới. Mục tiêu là tối đa hóa tiềm năng của Sân bay như một trung tâm logistic, đồng thời tận dụng vị trí trung tâm của Sân bay để phát triển hình thành khu đô thị sân bay sau năm 2030.

Vùng Sườn đồi: Vùng Sườn đồi đặc trưng bởi những không gian mở rộng lớn ven sườn các đồi núi phía Tây, kết nối hữu cơ giữa các khu vực thuộc huyện Hòa Vang; giới hạn phía Đông là tuyến đường tránh Nam Hải Vân và cao tốc Đà Nẵng – Quảng Ngãi, phía Tây và Bắc là các dãy núi cao, phía Nam là Quảng Nam. Khu vực này được tổ chức thành 03 phân khu:

– Phân khu đô thị sườn đồi

+ Giới hạn bởi phía Bắc là tuyến ĐT 602; phía Đông là đường tránh Nam Hải Vân; phía Nam tiếp giáp với đường quy hoạch mới; phía Tây tiếp giáp với tuyến vành đai phía Tây. Bao gồm: Hòa Ninh, Hòa Sơn, Hòa Nhơn, Hòa Phú.

+ Đặc trưng phân khu này là khu đô thị mới, các tòa nhà cao tầng (lên đến 25 tầng), hệ số sử dụng đất cao, mật độ xây dựng thấp nhằm đảm bảo tầm nhìn hướng đến những ngọn núi phía Tây; cụm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái vùng núi dọc theo QL14G và đường Bà Nà – Suối Mơ không gian xanh được phân bố dọc theo khu vực đồi núi phía Tây. Khu vực này tập trung vào phát triển bền vững, hài hòa với cảnh quan thiên nhiên, trải nghiệm cuộc sống đô thị trong các khu chung cư cao tầng gắn với những không gian xanh công cộng rộng lớn.

– Phân khu Nông nghiệp ứng dụng Công nghệ cao

+ Phía Tây Nam Thành phố, dọc theo tuyến Vành đai phía Tây, gồm: Hòa Phú, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Nhơn.

+ Trọng tâm của phân khu này là định hướng hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

– Phân khu Dự trữ phát triển

+ Giới hạn bởi phía Bắc tiếp giáp đường quy hoạch mới, sông Cẩm Lệ; phía Nam tiếp giáp Quảng Nam; phía Đông tiếp giáp Quốc lộ 1A; phía Tây tiếp giáp Phân khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Bao gồm: Hòa Nhơn, Hòa Phong, Hòa Khương, Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước.

+ Phân khu này dự trữ phát triển giai đoạn sau năm 2030. Định hướng tiếp tục cải tạo chỉnh trang các điểm dân cư nông thôn, các khu vực sản xuất nông nghiệp hiện có.

Vùng Sinh thái: Vùng sinh thái bao gồm:

  • Khu vực rừng, núi và đồi phía Tây (từ dãy núi Bạch Mã – Hải Vân qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên nối liền dãy núi Bà Nà qua các xã Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương);
  • Khu du lịch quốc gia Sơn Trà và huyện Hoàng Sa;
  • Các sông và hồ cùng với đường bờ biển dài trong vùng sinh thái.

Các khu vực này là yếu tố quyết định chính cho ranh giới đô thị hóa của Đà Nẵng và cũng là tiềm năng phát triển du lịch, bảo tồn hệ sinh học đa dạng và thúc đẩy phát triển bền vững, tiến tới một thành phố đáng sống.

– Phân khu Sinh thái phía Tây

+ Phân khu Sinh thái phía Tây bao gồm toàn bộ vùng núi phía Bắc và phía Tây Thành phố từ dãy núi Bạch Mã Hải Vân, quận Liên Chiểu (Hòa Hiệp Bắc) qua các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Phú đến Hòa Khương thuộc huyện Hòa Vang. Tổng diện tích khoảng 57.692 ha.

+ Phát triển hạn chế dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các hồ chứa nhằm đảm bảo phát triển bền vững, hình thành các khu du lịch cao cấp như Quần thể du lịch sinh thái Bà Nà – Suối Mơ, KDL Bà Nà Hill, KDL nghỉ dưỡng và tổng hợp Làng Vân, phát triển du lịch sinh thái dọc tuyến Quốc lộ 14G (Khu công viên suối khoáng nóng Núi Thần Tài, Khu du lịch Lái Thiêu, KDL Hòa Phú Thành, KDL Suối Hoa,…) KDL hồ Đồng Nghệ, Công viên Bách thảo…; điểm tham quan du lịch mạo hiểm, sinh thái, cộng đồng cho người dân và du khách gắn với hệ sinh thái núi, rừng dựa trên đa dạng sinh học, cảnh quan thiên nhiên và các hồ chứa nhằm đảm bảo phát triển bền vững.

– Phân khu Sinh thái phía Đông

+ Phân khu Sinh thái phía Đông bao gồm huyện Hoàng Sa với diện tích 30.500 ha và bán đảo Sơn Trà có diện tích khoảng 4.232 ha.

+ Bán đảo Sơn Trà được định hướng là khu du lịch quốc gia, bao gồm các điểm đến tâm linh và các khu nghỉ dưỡng sinh thái nhằm khai thác các di tích văn hóa, lịch sử và đặc trưng biển – núi – rừng. Cần đảm bảo cân bằng giữa bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững để bảo vệ cảnh quan thiên nhiên và môi trường sinh thái của bán đảo Sơn Trà.

+ Huyện Hoàng Sa là đơn vị hành chính cấp huyện đặc biệt của Thành phố. Định hướng là khu vực phát triển kinh tế biển và quốc phòng an ninh quốc gia; nghiên cứu bảo tồn đa dạng sinh học và đầu tư hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật để phát triển Điểm du lịch Hoàng Sa, Bảo tàng Hoàng Sa.

d) Định hướng phát triển khu vực đô thị trung tâm:

Nguyên tắc chung:

– Các khu đô thị chỉnh trang và phát triển hỗn hợp, khuyến khích kết hợp phát triển đơn vị ở với thương mại, dịch vụ, tập trung chủ yếu ở 06 quận nội thành: Hải Châu, Thanh Khê, Liên Chiểu, Sơn Trà, Ngũ Hành Sơn, Cẩm Lệ, một phần tại các điểm dân cư thuộc các xã Hòa Tiến, Hòa Châu.

– Các khu đô thị tập trung mật độ cao: Tập trung chủ yếu tại 02 quận Hải Châu, Thanh Khê; tái thiết đô thị, đầu tư nâng cấp, bổ sung hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị và bổ sung các tiện ích đô thị, kết hợp với xây dựng theo hướng phát triển đô thị nén, tăng diện tích không gian công cộng, công viên vườn hoa.

– Các khu ở nhà vườn mật độ thấp: Phân bố tại vùng ven các khu đô thị sinh thái Hoà Xuân, Hòa Quý, khu đô thị sinh thái Golden Hills và các khu đô thị sinh thái dọc theo các con sông.

– Từng bước đưa các cơ sở công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, kho tàng xen lẫn trong khu dân cư gây ô nhiễm môi trường ra các khu, cụm công nghiệp tập trung, đồng thời chuyển đổi chức năng những khu đất này thành đất phục vụ phát triển đô thị.

Định hướng phát triển khu đô thị trung tâm:

– Khu đô thị hiện hữu:

+ Định hướng tái phát triển hình thành đô thị nén, giảm mật độ xây dựng đối với khu vực lõi đô thị trung tâm hiện hữu, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị và tích hợp với hệ thống giao thông công cộng.

Hình thành các công trình kiến trúc mang phong cách hiện đại, ưu tiên phát triển các không gian, công trình, dịch vụ công cộng phục vụ cộng đồng trong khu vực lõi đô thị tạo sức hấp dẫn về một trung tâm CBD hiện đại, chất lượng sống cao, thân thiện và đáng sống cho người dân và du khách, phát triển đô thị bền vững phù hợp với tầm nhìn của thành phố đến năm 2050. Kiểm soát hành lang ven biển kết hợp thực hiện các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

+ Đối với các khu vực đô thị hiện hữu có mật độ dân số thấp hơn khu vực lõi sẽ phát triển có mật độ dân số cao hơn, mật độ xây dựng phù hợp quy chuẩn, hình thành các không gian xanh công cộng trong các khu dân cư, các công trình xây dựng khai thác các hình thức kiến trúc mang bản sắc của khu vực miền Trung, hệ thống giao thông tích hợp với hệ thống giao thông công cộng chung toàn thành phố.

– Khu vực phát triển mới:

Phát triển về phía Tây, Tây Bắc thành phố (phần lớn là khu vực Đông Bắc Hoà Vang). Dự kiến đến năm 2025, khu vực đô thị hoá được xác định tại 11 xã của huyện Hoà Vang hiện hữu, phát triển thành 09 phường gồm: Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Sơn, Hoà Nhơn, Hoà Tiến, Hoà Phong, Hoà Châu, Hoà Phước, Hòa Khương và 02 xã: Hoà Phú và Hoà Bắc. Tỷ lệ đô thị hoá đạt 85%.

Mở rộng, phát triển mới các khu đô thị, hình thành các khu vực có chức năng chuyên biệt. Thay đổi cơ cấu, hình thái không gian, phân bố dân cư và mô hình mới của đô thị, phát triển các khu vực ở cao tầng. Khai thác các khu vực đồi núi để tăng cường, bổ sung không gian xanh, phát triển dịch vụ du lịch hài hòa hình thái không gian cảnh quan, địa hình. Các khu công nghiệp, khu công nghệ cao hiện có được cải tạo, nâng cấp và mở rộng; các khu công nghiệp mới được xây dựng với cấu trúc hoàn chỉnh; phát triển các trung tâm thương mại, dịch vụ tập trung có quy mô lớn.

– Định hướng không gian ngầm khu vực trung tâm:

+ Định hướng phát triển không gian ngầm trong dài hạn, đặc biệt là với các khu vực có giá trị kinh tế – xã hội lớn và bị hạn chế về phát triển cao tầng trong trung tâm đô thị hiện tại.

+ Xây dựng hệ thống không gian ngầm tại các công trình công cộng, dịch vụ, nhà cao tầng, các nút giao trọng điểm, các khu vực nhà ga, tuyến đường sắt đô thị, kết nối với bãi đỗ xe và hầm giao thông ngầm để tạo thành một không gian ngầm hoàn chỉnh, đa năng, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất.

e) Phương án quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030

– Đến năm 2030, tổng diện tích đất xây dựng đô thị dự kiến là 31.836 ha, chiếm 32,31% tổng diện tích đất liền, và 66.710 ha là đất khác, chiếm 67,69%. Trong số đất xây dựng này, 14.109 ha là đất dân dụng, 17.727 ha là đất ngoài dân dụng.

– Đất dự trữ: Trong tổng diện tích 129.046 ha có khoảng 5.858 ha được xác định là đất dành cho phát triển trong tương lai sau năm 2030. Đến năm 2030, quỹ đất của những dự án hiện có và được phê duyệt tiếp tục được duy trì. Những khu đất dự trữ tập trung ở phía Nam và phía Tây của Đà Nẵng mục đích là tập trung phát triển trong khu vực đô thị hiện tại và hạn chế phát triển đô thị vào vùng đất nhạy cảm với môi trường và hành lang thoát lũ ở phía Nam và phía Tây của thành phố.

– Đến năm 2030, thành phố sẽ tập trung cải tạo, chỉnh trang các khu vực đô thị hiện tại để tối ưu hóa việc sử dụng đất. Đối với đất chưa phát triển hiện tại ở vùng trũng thấp phía Nam và phía Tây sẽ được dự trữ cho nhu cầu phát triển trong tương lai sau năm 2030.

Khu vực ngoại thành này sẽ tiếp tục duy trì khu vực nông thôn hiện trạng, các vùng nông nghiệp hiện hữu và các dự án đã được phê duyệt. Mục đích của định hướng quy hoạch này là tập trung phát triển trong khu vực đô thị hiện hữu, tránh phát triển đô thị dàn trải.

Đồng thời, điều này đảm bảo rằng khu vực trũng thấp ở phía Nam được bảo vệ và hạn chế phát triển đến sau năm 2030 khi vấn đề lũ lụt từ Quảng Nam đã được giải quyết.

– Các khu vực phát triển mới trong quy hoạch năm 2030 bao gồm các dự án đã được phê duyệt, như khu du lịch Làng Vân, Khu phi thuế quan, cảng Liên Chiểu, mở rộng Khu công nghệ cao Đà Nẵng và nút logistic trung tâm, các khu công nghiệp mới và trung tâm logistic. Các cơ sở công nghiệp nhỏ lẻ và nghĩa địa rải rác trong khu dân cư sẽ được di dời và hợp nhất trong các khu vực được phê duyệt.

– Các dự án mới được quy hoạch định hướng, bao gồm cụm logistic gần cảng Liên Chiểu, cụm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao ở phía Tây Nam và một khu đô thị kiểu mẫu mới ở phía Tây. Khu đô thị mới sẽ bao gồm các tòa nhà cao tầng mới, từ đó hình thành các khu nhà ở cho người dân, cùng các khu tái định cư cho cư dân di dời do tái thiết đô thị. 

Quy hoạch phát triển hẹ thống đô thị TP Đà Nẵng

Quy hoạch chung thành phố Đà Nẵng bao gồm các quận nội thị & nông thôn huyện Hòa Vang (huyện Hoàng Sa có quy định riêng), theo xu hướng phát triển thành phố tương lai sẽ đô thị hóa toàn bộ.

Quá trình phát triển đô thị của thành phố trong các giai đoạn tới sẽ diễn ra mạnh mẽ trên địa bàn huyện Hòa Vang với tốc độ đô thị hóa nhanh tại khu vực Đông Nam của huyện gồm các xã Hòa Châu, Hòa Tiến, Hòa Phước và khu vực phía Tây, Tây Bắc gồm các xã Hòa Bắc, Hòa Liên, Hòa Ninh, Hòa Sơn. Phương án quy hoạch phát triển đô thị như sau:

Thời kỳ 2021 đến 2025

– Khu vực đô thị trung tâm là 6 quận hiện hữu: Cơ bản giữ nguyên địa giới hành chính, mật độ dân số, mật độ xây dựng và các chỉ tiêu phát triển đô thị tuân thủ các quy hoạch đã được phê duyệt.

– Giai đoạn 2023-2025 huyện Hòa Vang phát triển đạt tiêu chí đô thị loại IV, tỷ lệ đô thị hóa lớn hơn 85%, 80% xã đủ điều kiện trở thành phường; hình thành đô thị trung tâm Hòa Vang và từ 02 đến 03 khu đô thị sinh thái, đô thị sườn đồi; đầu tư 02 khu công nghiệp mới, từ 02 đến 03 cụm công nghiệp, 02 đến 03 trung tâm logistics; hình thành từ 03 đến 05 vùng nông nghiệp chất lượng cao (trong đó có 02 đến 03 vùng được đầu tư từ nguồn vốn đầu tư công); phát triển thêm từ 02 đến 03 khu dịch vụ, du lịch sinh thái kết hợp tìm hiểu lịch sử, văn hóa và trải nghiệm nông nghiệp quy mô lớn.

Đến năm 2025 Hòa Vang đủ điều kiện thành lập Thị xã với chức năng là trung tâm hành chính, trung tâm kinh tế đa ngành, cửa ngõ kết nối với các huyện Tây Bắc tỉnh Quảng Nam và các tỉnh Tây Nguyên, có hạ tầng kỹ thuật xã hội đồng bộ. Trung tâm hành chính của Thị xã dự kiến đặt tại xã Hoà Phong (huyện Hoà Vang hiện hữu)147.

Việc thành lập thị xã Hoà Vang và các phường trên địa bàn thị xã sẽ được xác định trên cơ sở các khu đô thị hình thành mới và các điểm dân cư hiện hữu có mật độ cư trú cao, hạ tầng kỹ thuật – xã hội đáp ứng các quy định của pháp luật.

Thời kỳ 2026 đến 2030

Thành phố Đà Nẵng sẽ đánh giá tổng thể các đơn vị hành chính theo quy định của pháp luật, để điều chỉnh hệ thống đô thị, bao gồm các quận hiện hữu & các quận thành lập mới, xem xét điều chỉnh địa giới hành chính phù hợp theo hướng đáp ứng các tiêu chí quy định.

Đến năm 2030, huyện Hòa Vang có dân số khoảng 430.000 người, trong đó dân số thường trú khoảng 380.000 người, tỷ lệ đô thị hóa 90%, đủ điều kiện thành lập hai quận mới. Khi đó thành phố Đà Nẵng sẽ bao gồm 9 đơn vị quận, huyện, huyện đảo Hoàng Sa là đơn vị hành chính ở hải đảo:

– Khu vực đô thị trung tâm là 6 quận hiện hữu;

– Quận Bắc Hòa Vang; quy mô đô thị được hình thành từ 4 phường/xã Hòa Bắc, Hoà Liên, Hoà Ninh, Hoà Sơn, là quận phát triển công nghiệp công nghệ cao, đô thị trung tâm quận mới tại phía Nam khu công nghệ cao là trung tâm hành chính của quận, thương mại dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội, trung tâm hội chợ, triễn lãm của vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.

– Quận Nam Hòa Vang; quy mô được hình thành từ 7 phường/xã phía Nam huyện, là đô thị nông nghiệp công nghệ cao với du lịch, trung tâm quận mới được phát triển từ thị trấn huyện lỵ Hòa Vang tại xã Hòa phong, là trung tâm hành chính, thương mại dịch vụ, các công trình hạ tầng xã hội của quận mới, trung tâm nghiên cứu khoa học công nghệ về nông nghiệp và các trung tâm xúc tiến thương mại, dịch vụ và du lịch.

Phân loại và phân cấp quản lý đô thị

Phân loại và phân cấp đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2021 - 2030Phân loại và phân cấp đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2021 – 2030
Phân loại và phân cấp đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2031 - 2050Phân loại và phân cấp đô thị Đà Nẵng giai đoạn 2031 – 2050

Hồ sơ QH TP Đà Nẵng 2030

Bản đồ QHĐT TP Đà Nẵng (78,3 MB)

Bản đồ QHKG&PVCN TP Đà Nẵng (72,6 MB)

Tổng hợp bởi ashtechservice.com

(Quy hoạch đô thị TP Đà Nẵng : Cẩm Lệ, Hải Châu, Liên Chiểu, Ngũ Hành Sơn, Sơn Trà, Thanh Khê, Hòa Vang, Hoàng Sa.)

4.7/5 – (7 bình chọn)